Người Việt chúng ta ai cũng biết tiệm cầm đồ là nơi để đem những vật sở hữu đến cầm cố, hoặc bán để lấy một món tiền mặt nho nhỏ xài đỡ trong lúc gấp rút.

Tại Hoa Kỳ có tổng cộng chừng 12 ngàn tiệm cầm đồ lớn nhỏ đủ cỡ.

Những ai cần mượn nóng một khoản tiền nhỏ có thể đem món hàng mà họ sở hữu đến để thế chấp trên trị giá của món hàng đó. Chủ tiệm cầm đồ sẽ bán món hàng này đi nếu khách không chuộc lại món hàng đúng hạn.

Nhưng đôi khi khách lại muốn bán luôn món hàng. Chủ tiệm cầm đồ có thể tìm cách bán lại với giá cao hơn. Các chủ tiệm cầm đồ ở Mỹ cho biết từ 25 đến 35% lợi tức của họ đến từ việc bán các món hàng cầm cố mà khách không có khả năng chuộc lại đúng hạn.

Một số tiệm cầm đồ chỉ chuyên cầm nữ trang mà thôi, nhưng hầu hết đều nhận cầm cố nhiều loại mặt hàng.

Các chủ tiệm cầm đồ có hiệp hội của họ. Hiệp Hội Toàn Quốc các Chủ Tiệm Cầm Đồ khởi sự thành lập từ năm 1998. Tổ chức này tìm cách cải thiện hình ảnh của một ngành dịch vụ có từ rất lâu đời nhưng không được mấy thiện cảm trong con mắt của công chúng.

Ông Kevin Prochaska là một trong những người lãnh đạo hiệp hội này. Ông có đến hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề và hiện sở hữu 13 cửa tiệm cầm đồ tại bang Texas.

Ông giải thích rõ về dịch vụ cầm đồ:

"Điều chúng tôi làm là khi có ai mang món gì mà họ sở hữu đến thì họ có thể bán cho chúng tôi hay cầm cố. Điều đó có nghĩa là chúng tôi giúp họ đổi trị giá món hàng ra tiền mặt. Họ không nợ nần gì cả, mà chỉ trao đổi một món hàng họ sở hữu lấy tiền mặt mà thôi."

Ông Kevin Prochaska cho biết nhiều khách hàng tiếp tục trở lại các cửa hàng cầm đồ của ông.

Cũng có những cửa tiệm cầm đồ tại những khu vực giàu có nhất nước Mỹ, nhưng hầu hết là ở những khu xóm nghèo hơn. Phần lớn những ai phải cầm cố thường không kiếm được nhiều tiền và chẳng dành dụn được mấy. Đã vậy họ cũng không đủ điều kiện để đi vay mượn ngân hàng, mượn qua thẻ tín dụng hay bà con, bạn bè chẳng hạn.

Khi đem món hàng sở hữu đến tiệm cầm cố, khách thường được cho vay một khoản tiền tương đương từ 50 đến 75% trị giá món hàng. Món hàng đó chính là vật thế chấp cho khoản tiền cầm cố. Thường thì chủ tiệm cầm trong thời hạn từ 1 đến 6 tháng.

Khách hàng có thể chuộc lại món đồ đó bất cứ lúc nào bằng cách trả lại số tiền cầm cố cộng với khoản tiền lời mà họ nợ chủ tiệm. Trong một số trường hợp, nếu món hàng có trị giá cao, nó an toàn hơn khi được cất giữ trong tiệm cầm đồ thay vì giữ trong nhà của sở hữu chủ.

Các chủ tiệm nói rằng có từ 70 đến 80% những món hàng cầm cố được chuộc lại. Họ cho biết món hàng có trị giá cao thì tỉ lệ được chuộc lại càng cao.

Số tiền cầm cố mà khách mượn được tùy thuộc vào địa điểm của cửa tiệm cầm đồ và loại hàng nào mà chủ tiệm chịu cầm. Số tiền tiêu biểu mà một người đem hàng đi cầm nhận được từ 50 đến 100 đô la. Các chủ tiệm cầm đồ cho biết hầu hết khách hàng cần tiền để đổ xăng (nhất là vào thời buổi giá xăng tăng vọt như hiện nay), mua thuốc men, trả tiền điện nước, sửa xe và trả tiền thuê nhà.

Chủ nhân các tiệm cầm đồ cho biết hiện nay thì hồ sơ được lưu trữ trong máy điện toán và sự hợp tác chặt chẽ với cảnh sát nên đã giúp giảm được nhiều những món hàng bị đánh cắp đem đi cầm cố. Hầu hết các bang đều đòi hỏi khách phải trình thẻ căn cước nếu muốn cầm cố.

Luật lệ về cầm đồ thay đổi tùy theo từng bang. Một số bang hạn chế mức lãi suất mà chủ tiệm có quyền tính với khách hàng chỉ ở 3,5% một tháng. Các bang khác lại cho phép cao tới 25%. Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy những bang có luật lệ hạn chế nghiêm ngặt thường có ít tiệm cầm đồ hơn.

Nhiều người có thể nghĩ rằng thời buổi kinh tế suy thoái thì dịch vụ làm ăn của những cửa tiệm cầm đồ sẽ khá hơn. Nhưng thực tế không phải vậy. Các chủ tiệm cho hay số bán của họ giảm sút như tất cả mọi cửa hàng buôn bán khác, trong khi lại có nhiều khách hàng hơn đến tiệm để cầm cố, mượn tiền.

Vào thập niên 1930, nhiều ngân hàng đã vỡ nợ trong cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế. Các tiệm cầm đồ là những nơi duy nhất mà người ta có thể đến cầm cố, mượn tiền.

Người ta không cần phải có công ăn việc làm hay thành tích trả nợ tốt mới có thể mượn tiền tại một tiệm cầm đồ. Những mặt hàng thường được đem cầm đề lấy tiền là hàng điện tử, các nhạc khí như đàn, trống, các vật dụng và những quần áo đắt tiền. Nhưng hầu như bất cứ món hàng nào đáng giá đều có thể đem cầm để lấy tiền tiêu.

Bà Kathy Pierce là một trong những chủ tiệm Monster Pawn cầm đồ tại Bloomington, bang Illinois. Bà là thành viên ban giám đốc của Hiệp Hội Tòan Quốc các Chủ tiệm Cầm Đồ. Bà nói:

"Tôi nhận cầm cả máy cắt cỏ, xe đạp, thuyền đi chơi, cưa máy, mũi khoan máy, và máy xem DVD. Tôi biết khá rành về nhiều thứ."

Bà Kathy Pierce cho biết thường khoản tiền cầm cố trung bình mà bà đưa cho khách là 60 đô la. Bà cho biết bà đã chứng kiến con số khách hàng đến cầm đồ thuộc giai cấp trung lưu ngày càng tăng. Thành phần này bao gồm tất cả mọi người, kể cả các giáo chức.

Bà thuật lại là bà sống trong một cộng đồng nhỏ nhưng lại qui tụ nhiều công ty lớn, và người dân có công ăn việc làm; tuy nhiên ngày nay mọi thứ chi phí đều tăng, trong khi đồng lương cứ đứng tại chỗ. Tiền xăng hiện nay là 4 đô la một galông, khoảng ba lít rưỡi, nên bà rất bận rộn với khách hàng đến cầm đồ.

Bà nói rằng chẳng ai bắt buộc khách phải dùng đến dịch vụ cầm cố của bà, và bà rất vui khi làm nghề này. Mỗi ngày một khác. Bà quí mến khách hàng và họ trở thành một phần trong gia đình, trong đời sống cũng như chính bà trở thành một phần đời của họ.

Nhưng không phải ai cũng có cùng một cảm nghĩ như bà Kathy Pierce. Những người chỉ trích buộc tội họ bóc lột người nghèo bằng cách cho cầm cố với mức lời cắt cổ. Các chủ tiệm cầm đồ nói rằng họ phải tính tiền lời cao vì sở hụi cao, kể cả tiền giữ an ninh và chi phí kho cất giữ các món hàng cầm cố.

Một số người còn chỉ trích giới cầm cố thường hay dìm giá khách hàng trong trường hợp khách không biết rõ giá trị thực của món hàng mà họ đem cầm. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại khi khách đôi khi bịa ra những câu chuyện về món hàng và đòi giá giá cao hơn là giá trị thực của nó.

Vì vậy chủ tiệm cầm đồ phải biết nhiều về nhiều mặt hàng khác nhau, từ đồ cổ, đồ trang trang sức đến bàn ghế, giường tủ để có thể định giá, định tuổi của món hàng, và xem nó thực hay giả, có giá trị hay không.

Hầu hết các của tiệm cầm đồ tại Mỹ do cá nhân hay gia đình làm chủ, nhưng một số công ty đang mua lại các tiệm cầm đồ và thành lập hệ thống cầm đồ trên khắp nước. Họ đang cố gắng cải thiện hình ảnh của các cửa tiệm cầm đồ bằng những cửa hàng sáng sủa, sạch sẽ và được điều hành thật qui củ. Những cửa hàng khác cũng đang thay đổi trong lúc ngành cầm đồ tìm cách thu hút thêm khách hàng sử dụng đến dịch vụ này.

Quí vị nghĩ như thế nào về dịch vụ cầm đồ? Mời quí thính giả, độc giả vui lòng đóng góp ý kiến, Lan Phương chân thành cảm ơn quí vị.