Năm nay, tạp chí Forbes đánh công bố danh sách 100 phụ nữ nắm nhiều quyền lực nhất trên khắp thế giới trong bối cảnh châu Âu đang vướng vào cuộc khủng hoảng nợ nần, Trung Đông và châu Phi rung động trước những cuộc nổi dậy và cách mạng của người dân, trong khi kinh tế Mỹ vẫn chưa vượt qua khỏi khó khăn và thị trường chứng khoán vẫn đầy biến động. 

Những người phụ nữ được Forbes đánh giá là có nhiều quyền lực không chỉ vì lý do tài chính mà còn vì tầm ảnh hưởng của họ và đặc biệt là tần suất xuất hiện và các tin tức về họ trên các phương tiện truyền thông cũng như các mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Twitter.

Thủ tướng Đức Angela Merkel lần thứ năm được Forbes bình chọn là người phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới, người được coi là nhà lãnh đạo của khối Liên hiệp Châu Âu và là người có khả năng giúp cải thiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của khu vực sử dụng đồng euro.

Bà Angela Merkel là chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo từ năm 2000 và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào năm 2005. Bà nhậm chức với những lời phỏng đoán rằng chính phủ của bà sẽ gặp khó khăn chồng chất đối với những vấn đề nội bộ và có thể sẽ sớm sụp đổ. Tuy nhiên, không như những gì người ta đồn đoán bà đã nổi lên như một nhân vật chính trị hàng đầu ở Châu Âu.

Đây không phải là lần đầu tiên bà được bầu chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà đã từng dẫn đầu danh sách này vào những năm 2006, 2007, 2008 và 2009.

Theo tạp chí Forbes, vào lúc mùa Xuân Ả Rập trở thành mùa hè của những nhà lãnh đạo chuyên quyền, người đứng thứ nhì danh sách năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã đem tới sự khích lệ cho những người bất đồng chính kiến ở đó.

Người đứng thứ ba trong danh sách năm nay là bà Dilma Rousseff, người chính thức trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Brazil hồi tháng Giêng năm nay. Mặc dù nền kinh tế của Brazil đã chững lại sau một thời gian tăng trưởng mạnh dưới thời của người tiền nhiệm của bà Rousseff, ông Lula da Silva, số người ủng hộ bà trong một cuộc thăm dò mới đây vẫn lên tới 67%.

Trong thời gian tranh cử chức tổng thống, bà Rousseff chỉ đứng thứ 95 trong danh sách và sau khi giành thắng lợi hồi tháng 11 năm ngoái, bà đã vươn lên vị trí thứ 16.

Nhân vật quan trọng thứ hai của mạng xã hội nổi tiếng Facebook, bà Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Facebook, được tạp chí Forbes xếp thứ 5 trong danh sách năm nay vì đã có công lớn trong việc giúp mạng xã hội này đạt hơn 750 triệu người sử dụng.

Theo The Economist, bà Sandberg, 42 tuổi, cựu giám đốc điều hành của Google đã gia nhập Facebook vào năm 2008. Một số người trong nội bộ Facebook cho rằng nếu không có bà thì trang mạng xã hội này đã không thể vươn lên thành một công ty khổng lồ với doanh thu ước tính lên tới 2 tỷ đôla trong năm ngoái.

Bà cũng là người bổ sung tuyệt vời cho người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, bởi Mark Zuckerberg là một người tài giỏi về công nghệ còn bà là người biết lắng nghe và có đầu óc tài chính xuất sắc, bà từng là phụ tá cho cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers.

Tờ The New Yorker nhận định rằng bà là người có thể sẽ lật ngược lại sự thống lĩnh Thung lũng Silicon lâu nay của nam giới. Trong khi Bloomberg Businessweek thì phỏng đoán rằng một ngày nào đó có thể bà sẽ trở thành tổng thống của Hoa Kỳ.

Hai người phụ nữ châu Á đáng chú ý năm nay là bà Sonia Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại đương quyền của Ấn Độ và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Bà Sonia Gandhi, 64 tuổi, được cho là người phụ nữ nhiều quyền lực nhất Aán Độ và là người đứng thứ 7 trong danh sách của Forbes năm nay.

Đảng của nữ chính trị gia sinh tại Italia này đã lãnh đạo liên minh cầm quyền ở Ấn Độ trong suốt 7 năm và bà Gandhi còn giữ chức chủ tịch Liên minh Tiến bộ Thống nhất.

Mặc dù bà Gandhi đã từ chối lời kêu gọi trở thành thủ tướng sau khi được cho là có công lãnh đạo đảng Quốc Đại giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2004, nhưng nhiều người Ấn Độ coi bà là người quyền lực hơn cả Thủ tướng Manmohan Singh. Theo tạp chí Forbes, bà là nhà lãnh đạo lâu năm nhất của đảng này và lần cuối cùng bà tái đắc cử và chức chủ tịch đảng là vào tháng 11 năm 2010.

Mới đây, Đảng Quốc Đại cho biết bà Sonia Gandhi vừa trải qua một cuộc phẫu thuật thành công ở nước ngoài để điều trị một căn bệnh mà họ không tiết lộ chi tiết.

Báo chí Ấn Độ tường thuật rằng cuộc giải phẫu đã được thực hiện tại Hoa Kỳ, và bà Gandhi dự kiến sẽ lưu lại nước ngoài trong nhiều tuần nữa.

Một gương mặt nữ mới nổi trên chính trường châu Á, nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, cũng được tạp chí Forbes đưa vào bảng xếp hạng năm nay, mặc dù bà chỉ ở vị trí thứ 59 trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.  

Tạp chí Forbes mô tả bà Yingluck là người lên nhậm chức với lời cam kết đoàn kết đất nước trong khi thách thức lớn nhất của bà là làm sao bước ra được khỏi cái bóng của người anh trai là cưu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Một số gương mặt khác trong danh sách năm nay còn có các nghệ sĩ trong làng giải trí, những người đã tận dụng sự nổi tiếng của mình để vận động gây quĩ cho các chương trình nhân đạo. Ca sĩ Lady Gaga (đứng thứ 11) đã gây quĩ được 200 triệu đôla cho cuộc chiến chống lại HIV/AIDS, trong khi nữ diễn viên Agelina Jolie (đứng thứ 29) cũng tiếp tục giữ vai trò là Đại sứ Thiện chí của Liên Hiệp Quốc.
(voanews)