Ứng cứ viên Tổng Thống Mỹ Newt Gingrich gặp lãnh đạo trẻ Mỹ gốc Việt
Có mặt tại buổi họp là một số khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng như Luật sư Phan Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản Trị, Phòng Thương Mại Việt-Mỹ ở thủ đô Washington, nhóm đứng ra tổ chức cuộc họp mặt, bà Đỗ Anh Tú thuộc tập đoàn địa ốc Westgate thành phố Falls Church, người vừa được Thống đốc Virginia Robert Mc Donnell bổ nhiệm vào Hội đồng Địa Ốc bang Virginia, Thiếu Tá Christopher Phan thuộc lực lượng hải quân Hoa Kỳ, hội viên Hội Quân Nhân Người Mỹ gốc Việt, đến từ California, cùng một số người Mỹ gốc Việt khác. Chúng tôi ghi nhận buổi họp còn có sự hiện diện của một đại diện cộng đồng Ấn Độ, cũng là một chủ doanh nghiệp.
Mở đầu cuộc thảo luận, ông Gingrich hỏi về những quan tâm lớn nhất của những người hiện diện và của cộng đồng. Hầu hết mọi người đều nêu quan tâm lớn nhất của họ là vấn đề công ăn việc làm, và vấn đề chăm sóc y tế vv...Nhưng bên cạnh những vấn đề thiết thực cho cuộc sống như vừa kể, cộng đồng Mỹ gốc Việt còn có một số nhu cầu chính trị.
Luật sư Phan Quốc Cường: “Về mặt chiến lược, trong tư cách là một cộng đồng, chúng tôi cần có tiếng nói chính trị, chúng tôi cảm thấy cộng đồng của chúng tôi không được đại diện đúng mức.”
Luật sư Cường nói có nhiều yếu tố đưa đến sự thể đó, trong đó phải kể đến những thiếu sót về mặt thông tin liên lạc. Luật sư Cường cho rằng cộng đồng cần có nhiều người có khả năng thông đạt hơn để có thể đệ đạt các vấn đề của cộng đồng và những quan tâm khác lên các cấp chính quyền và các vị dân cử. Đó là về mặt cộng đồng.
Về phần cộng đồng chính mạch Mỹ, luật sư Cường nói: “Cả hai chính đảng lớn của Mỹ cần cố gắng nhiều hơn trong nỗ lực tiếp xúc với cộng đồng để có thể lôi kéo các công dân mới tham gia vào tiến trình chính trị của quốc gia.”
Luật sư Cường cho biết cộng đồng Mỹ gốc Việt muốn thành lập một ủy ban hành động, một diễn đàn để nói lên lập trường của mình về những vấn đề quan tâm, và muốn thực hiện mục tiêu đó, cần phải có một số cấu trúc chính trị cấp địa phương và quốc gia, để cộng đồng có thể tham gia.
Luật sư Cường đơn cử chiến dịch vận động tranh cử thành công của đương kim Thống đốc bang Virginia, Bob Mc Donnell, như một thí dụ về sự thành công của một ứng cử viên trong cố gắng khuyến khích sự tham gia của cộng đồng Mỹ gốc Việt.
Luật sư Cường nói: “Ông Mc Donnell đã đến thăm khu Eden, trung tâm của người Mỹ gốc Việt ở thủ đô Washington tới 3 lần. Ứng cử viên của Đảng Dân Chủ chờ mãi tới lần thăm thứ nhì của ông, mới theo chân ông, tới lúc đó thì mọi sự đã quá trễ, ông Mc Donnell đã thành công trong việc tạo ra một hình ảnh cho thấy ông là một ứng cử viên có thể đại diện cho tất cả mọi người ”.
Nhiều người có mặt cũng đồng ý rằng muốn chiếm lá phiếu của cử tri Việt Nam, các ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa phải thay đổi hình ảnh của mình, từ một chính đảng được coi hầu như chỉ dành riêng cho người da trắng, thành một đảng chính trị có tính đại diện rộng rãi hơn, thân thiện hơn với cử tri thuộc các nhóm thiểu số khác.
Trong một nhắc nhở gián tiếp tới ảnh hưởng của phong trào Tea Party trên chính trường nước Mỹ, một người trong cử tọa nêu lên những quan tâm về những xu hướng mà anh cho là có thể bất lợi cho các cộng đồng thiểu số, trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay:
“Như chúng ta đã nghiệm qua lịch sử nước Mỹ, trong những thời kỳ kinh tế suy thoái, tính rộng lượng và sự kiên nhẫn của người Mỹ đối với những người đến từ các khu vực khác của thế giới dường như có hơi suy giảm. Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ rằng giọng điệu của các cuộc tranh luận chính trị có thể ngả sang khuynh hướng bài ngoại tại một số nơi ở Hoa Kỳ, dẫn tới chủ nghĩa cô lập, tạo ra một bầu không khí không mấy thiện cảm đối với những người đến nước Mỹ để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ.”
Có nhận định cho rằng những căng thẳng hiện nay trên chính trường nước Mỹ không phải là những căng thẳng giữa Đảng Dân chủ với Đảng Cộng hòa, mà là những căng thẳng giữa các chính khách mị dân với thành phần còn lại, thành phần có học hơn, đưa đến tình thế đối đầu giữa hai cực, “giữa phe ta với đối phương”.
“Tôi muốn thấy một thái độ tương nhượng, ôn hòa hơn. Các chính trị gia muốn lấy lòng thành phần ủng hộ cốt lõi của họ, dù là phải tấn công một nhóm thiểu số nào đó, biến nhóm này thành vật tế thần, và thường thì thành phần đó là người di dân.”
Đáp ứng trực tiếp mối quan tâm đó, ông Newt Gingrich loan báo: “Tôi đang chuẩn bị một đề nghị, sẽ là một phần nằm trong cương lĩnh chính trị của tôi, hy vọng tôi có thể nhờ vận động để biến thành một dự luật, đó là tạo ra một nhóm cố vấn song phương cho từng quốc gia. Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi, nhưng mục đích của việc lắng nghe các quan điểm là có thể nhận biết những ý kiến hay để mang ra áp dụng.”
Nhưng thông điệp chủ yếu của ông Newt Gingrich trong chiến dịch vận động của ông lần này là gì?
Ông Gingrich: “Thông điệp quan trọng nhất của tôi là chúng ta đang đối đầu với những thay đổi quá lớn, đến nỗi chúng ta cần có người lãnh đạo có khả năng ngay trong lúc này. Tôi không yêu cầu người khác ủng hộ tôi, mà yêu cầu họ hãy đồng hành với tôi, bởi vì nếu chỉ ủng hộ cá nhân tôi, thì họ chỉ việc đi bỏ phiếu rồi ra về, thế là xong nhiệm vụ...Còn 3 lĩnh vực chủ yếu mà chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để thực hiện, là thứ nhất, giải quyết công ăn việc làm và cải thiện kinh tế; thứ hai, định nghĩa thế nào là một công dân Mỹ, và thứ 3 là vấn đề an ninh quốc gia và an ninh nội địa.”
Thế hình ảnh của cộng đồng Việt Nam dưới con mắt của ứng cử viên Tổng Thống Newt Gingrich như thế nào?
“Cộng đồng Mỹ gốc Việt là một cộng đồng rất chịu khó làm việc, có lòng yêu nước sâu đậm, đặt nặng truyền thống gia đình. Tôi đã hợp tác với dân biểu Cao Quang Ánh thời ông còn làm việc ở Quốc hội, tôi cam kết hợp tác với cá nhân các lãnh đạo doanh nghiệp người Việt, và cộng đồng Mỹ gốc Việt. Tôi tin rằng về nhiều phương diện, cộng đồng Mỹ gốc Việt tượng trưng cho những giá trị tốt đẹp nhất của Hoa Kỳ: đó là họ không ngần ngại sắn tay lên làm việc, họ đặt nặng truyền thống gia đình, coi trọng giáo dục, quyết tâm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn, và họ sẵn sàng tạo thêm công ăn việc làm, nếu được trao cơ hội để có thể làm việc đó.”
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ Đài VOA, ông Newt Gingrich cho biết ý kiến của ông về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, một trong những quan tâm lớn của người Mỹ gốc Việt.
Ông Newt Gingrich: “Chúng tôi cũng muốn, vào những dịp thuận lợi, nhắc nhở Việt Nam rằng Hoa Kỳ cam kết sẽ mạnh mẽ ủng hộ tự do cho con người trên khắp hành tinh. Đó là bản sắc, là giá trị định nghĩa thế nào là một người Mỹ, chúng tôi không thể phản bội cam kết đó vì những dàn xếp ở địa phương.”
Luật sư Phan quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng Thương Mại Việt-Mỹ nhận định tóm lược về buổi họp với ứng cử viên Tổng Thống Newt Gingrich như sau: “Là buổi họp đầu tiên giữa một ứng cử viên Tổng Thống với cộng đồng Mỹ gốc Việt, mục tiêu của chúng tôi, một nhóm những người thuộc nhiều thành phần, tổ chức khác nhau trong cộng đồng, thứ nhất muốn tìm hiểu tất cả các ứng cử viên Tổng Thống. Hôm nay chúng tôi hiểu rõ hơn ông Newt Gingrich có những ý tưởng lớn gì, ông muốn cải cách nước Mỹ như thế nào, và chúng tôi cũng có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về chiến lược thắng cử của ông. Chúng tôi nghĩ ông thực sự có cơ hội tốt hơn so với những gì chúng ta nghĩ, nếu chỉ theo dõi báo chí và truyền thông. Điều thứ hai là chúng tôi muốn thông qua ông, toàn bộ Đảng Cộng hòa và giới chính trị gia dòng chính nói chung sẽ có một sự hiểu biết và quan tâm hơn đối với cộng đồng người Mỹ mới, trong đó có cộng đồng Mỹ gốc Việt chúng ta.”
No comments:
Post a Comment