Khủng hoảng kinh tế dân Tây Ban Nha vội vã đi học Anh ngữ
Ông Richard Vaughan, một người Mỹ quê quán ở Texas, nhưng đã sống ở Tây Ban Nha từ 35 năm nay. Ông làm chủ một công ty dạy tiếng Anh lớn nhất nước này, và công ty còn có một đài truyền hình riêng có tên là “'Aprende Ingles”. Đây là đài truyền hình bằng tiếng Anh duy nhất trên toàn quốc Tây Ban Nha.
Ông Vaughan giải thích tại sao ông lại nghĩ có rất nhiều người Tây Ban Nha mở xem kênh truyền hình và theo học lớp dạy tiếng Anh của ông:
"Để họ có được một việc làm khá hơn. Dân ở đây không học tiếng Anh để tìm hiểu văn hóa. Chỉ có một số ít thôi. Nhưng 99% động lực thúc đẩy họ học tiếng Anh là vì lý do nghề nghiệp."
Toàn cầu hóa khiến có người dân ra nước ngoài làm việc hơn, thường ở những quốc gia mà họ không thể sử dụng được tiếng mẹ đẻ. Giờ đây tình trạng suy thoái kinh tế khiến người ta đi kiếm việc làm ở bên ngoài biên giới quốc gia, nên càng thúc đẩy tiến trình học tiếng Anh nhiều hơn.
Ông Nick Byrne là giám đốc trung tâm sinh ngữ của trường Kinh Tế London, nhận định về trào lưu học tiếng Anh:
"Người ta hiểu ra rằng họ không những bắt buộc phải năng động,mà họ phải năng động vì cần phải như thế."
Ông cho biết tiếp :
Chúng tôi nhận thấy tại các trung tâm dạy sinh ngữ ở các trường đại học khắp nước Anh và khắp châu Âu, khuynh hướng học sinh ngữ đang lên. Chúng tôi không nói tới những người muốn lấy bằng cấp về sinh ngữ, nhưng là những người theo học sinh ngữ ở các lớp dạy vào buổi tối, nhất là những lớp dạy tiếng Anh."
Tại Tây Ban Nha, một số người theo học tiếng Anh để tìm việc ở nước ngoài, như ở nước Anh hay nước Mỹ. Nhưng những người khác lại muốn làm cho những công ty đa quốc có văn phòng đặt ở Tây Ban Nha. Nhiều công ty giờ đây đòi hỏi nhân viên phải thông thạo hai ngôn ngữ.
Ông Dominic Campbell là một người Mỹ sống ở Madrid, và dạy tiếng Anh bán thời gian. Ông cho biết các học viên của ông muốn học tiếng Anh với hy vọng tìm được việc làm tốt hơn:
"Nhiều việc làm giờ đây đòi hỏi bạn phải biết hai ngôn ngữ, và thực sự thì rất nhiều việc đòi hỏi nhân viên phải thông thạo ít nhất là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Nhiều việc còn đòi phải biết tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Pháp nữa, nhất là các hãng hàng không."
So với những quốc gia châu Âu khác bị ảnh hưởng nặng của tình trạng suy thoái kinh tế,Tây Ban Nha là một trong những nước có tỉ lệ thông thạo tiếng Anh thấp nhất. Lý do là từ rất lâu, người dân nước này không thấy cần thiết phải học Anh ngữ. Chừng 1/5 dân số thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Có một thị trường vô cùng lớn cho những chương trình truyền hình và phim ảnh nói tiếng Tây Ban Nha, và cũng từ rất lâu Tây Ban Nha giao thương mật thiết với châu Mỹ Latin - bằng tiếng Tây Ban Nha.
Ông Campbell cho hay học viên của ông trước đây cứ đinh ninh rằng chỉ cần nói tiếng mẹ đẻ của họ thôi cũng đủ:
"Họ cho rằng tiếng Anh của họ không khá, nên họ không sử dụng. Họ ngỡ là biết tiếng Tây Ban Nha cũng đủ rồi."
Nhưng hiện nay cứ 5 người Tây Ban Nha lại có một người thất nghiệp. Tây Ban Nha có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu. Trong số những người trẻ trong lứa tuổi ngoài 20, hơn 40% thất nghiệp. Anh Inigo Gomez là 1 trong số những người này. Anh nói:
"Thời buổi bây giờ thật hết sức khó khăn."
Anh có bằng cấp về giáo dục, nhưng không thể kiếm được một việc dạy học ở nhà trường:
"Tôi là giáo chức nhưng không thể kiếm được một việc làm ở đây. Vì lẽ đó tôi cho là nên sang nước Anh và cố tìm một chân dạy tiếng Tây Ban Nha."
Anh Gomez gặp khó khăn khi tìm cách diễn đạt bằng tiếng Anh những ý nghĩ về mấy năm qua và cuộc khủng hoảng kinh tế.
"Tôi không tìm ra được những từ chính xác. Toàn cầu hóa ư? Nếu bạn biết được một ngôn ngữ thứ nhì nữa, bạn sẽ có thêm cơ hội để tìm được một việc làm."
Trong lúc anh Gomez dự tính ra nước ngoài thì nhiều học viên cùng lớp với anh, những người Tây Ban Nha học Anh ngữ, sẽ ở lại Madrid để từ từ mở rộng kỹ năng song ngữ lần đầu tiên, ra khắp nước.
No comments:
Post a Comment