Thiết bị giá 45 đô la có màn ảnh màu cảm ứng rộng 18 centimet, nối wi-fi, và hai cổng USB, có mục đích làm giảm hố chia cách kỹ thuật số tại Ấn Độ, quốc gia chỉ có 3% dân số sở hữu máy tính.

Máy tính bảng rẻ nhất thế giới này được gọi là “Aakash,” tiếng Ấn Độ có nghĩa là bầu trời. Đó là đứa con tinh thần của Ấn Độ vì chính phủ đã đưa ra một dự án phát triển nó. Mặc dầu do một công ty có trụ sở ở Anh chế tạo nhưng máy tính này được lắp ráp tại Ấn Độ.

Theo một dự án thí điểm, trong tuần này chính phủ đã phân phối 500 máy miễn phí cho sinh viên. Những sinh viên này sẽ đi tới các làng để trình bày về thiết bị này. Thiết bị này sẽ được bán cho sinh viên với giá trợ cấp 35 đô la.

Ông Rajat Agarwal, tổng biên tập tạp chí BGR Ấn Độ, nói rằng máy tính bảng giá rẻ này có tiềm năng mang giáo dục tới đông đảo dân chúng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật phát biểu dè dặt rằng, chính phủ phải theo dõi sát sự vận hành của máy này.

Ông Agrawal nói máy tính bảng này có “bước khởi đầu rất tốt” để người nghèo đủ khả năng mua được. Nhưng ông nói máy cũng cần phải dễ sử dụng, nếu không khách hàng sẽ quay lưng lại với nó:

“Ta không thể trông đợi một máy loại iPad tại đó, hay tính chất dễ sử dụng của nó. Với giá 35 đô la thì đây là một thiết bị tốt nhưng về phương diện sử dụng thì chúng ta thấy màn ảnh chưa cảm ứng nhạy bén mấy.”

Các chuyên viên cũng cảnh cáo rằng việc nối kết Internet còn rất giới hạn tại Ấn Độ sẽ gây trở ngại cho mục tiêu mở rộng học vấn kỹ thuật số.

Ấn Độ là nước hàng đầu về công nghệ và các chuyên gia Ấn Độ nổi tiếng về công nghệ thông tin. Nhưng mặc dầu có sự gia tăng 15 lần số người sử dụng Internet trong thập niên vừa qua, việc truy cập Internet chỉ giới hạn trong số một phần nhỏ dân số Ấn Độ, và Ấn Độ có tỷ lệ thấp nhất về số người sử dụng Internet trong số các nước đang phát triển.