Căn lều trong bụi cây của 3 người đàn ông
Hà Nội
Anh Vũ Văn Toàn cùng 2 người đàn ông khác dựng 3
túp lều giữa bụi cây rậm rạp trên đê Bưởi (Hà Nội) làm nơi trú ngụ.
Chính quyền địa phương kiểm tra, họ xin tự tháo dỡ trước ngày 28/12.
"Tôi xin tự dỡ lán tạm đang ở trước ngày 28/12/2013. Nếu không, đề nghị
ủy ban phường tháo dỡ, tôi không có ý kiến gì", anh Toàn (tên thường
gọi là Nam) viết trong biên bản.
|
Do khuất dưới những tán cây nên người đi đường ít để ý sự có mặt
của những căn lều này. Mấy ngày qua, anh Toàn và anh Tuấn không dám về
lều sớm vì muốn tránh sự thăm hỏi của mọi người. Ảnh: Bình Minh.
|
Theo ông Đào Trường Quảng, Phó chủ tịch phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà
Nội), sáng 27/12, UBND phường đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh
và Xã hội, Công an phường đến kiểm tra những trường hợp dựng lều lán
khu vực đầu dốc đường Bưởi.
Lúc đoàn tới, khu vực này có lều tạm của 3 người đàn ông, song chỉ 2
người "ở nhà". Trong đó, có ông Trương Ngọc Tuất, 67 tuổi, hộ khẩu
thường trú phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Ông Tuất có hai người con và
hiện tại đã bỏ vợ. Hai trường hợp còn lại là anh Toàn (30 tuổi) ở xã Yên
Phúc (Yên Mỹ, Hưng Yên) và anh Tuấn (34 tuổi), bị câm đã bỏ lều đi 2
ngày nay.
Cả 3 trường hợp trên đều làm nghề thu nhặt phế liệu, dựng lán tạm tại
đê Bưởi, đường ven sông Tô Lịch để cư trú. Anh Toàn và anh Tuấn không có
tạm trú, tạm vắng tại đây. Sau khi bị lập biên bản, ông Tuất có nguyện
vọng xin vào trung tâm bảo trợ xã hội, còn anh Toàn cam kết sẽ dỡ bỏ lều
lán trước ngày 28/12. Tối 27/12, anh Toàn đã tự tháo dỡ và đốt lều.
Nhiều ngày nay, hình ảnh về cuộc sống của 3 người đàn ông trong những
căn lán rách rưới được cộng đồng chia sẻ. Nhiều nhóm tình nguyện đã mang
đồ ăn, quần áo và chăn ấm tới tặng họ. Sợ bị phường đuổi và gia đình
biết hoàn cảnh sống, anh Toàn và anh Tuấn giấu tên, địa chỉ thật với
những người đến chia sẻ.
|
Căn lều tạm bợ của anh câm gồm nhiều thứ nhặt nhạnh từ những vật dụng bỏ đi. Ảnh: Bình Minh.
|
Hàng ngày cứ hơn 19h tối, 3 chiếc lều bạt lụp xụp căng tạm vào những
cành cây "buông rèm". Nghe tiếng gọi, người đàn ông đang co ro trong căn
lều buộc chặt tối om định bỏ chạy. Được
xem là đẹp nhất so với hai lều còn lại, lều anh Toàn có một chiếc dát
giường và màn. Quần áo của "chủ nhà" được hong khô trên bếp lửa. Bình
thường, những hôm giá lạnh, anh hay cùng 2 người kia ngồi trên chiếc
salon rách nát bên ngoài sưởi lửa.
Anh Toàn cho hay vừa đi làm về lúc 18h
tối nhưng chưa vào lều luôn mà đứng ngoài một lúc mới buộc cửa nằm im.
Chỉ sang căn lều sơ sài có chiếc salon làm giường và tấm bạt vắt ngang
che mưa, nắng, anh Toàn cho biết, hàng xóm chắc giờ này vẫn đang trốn ở
bến xe buýt nào đó, 24h đêm mới về.
Theo anh Toàn, xóm lều có 3 người đàn ông sống chui rúc đã 3 năm nay.
Công việc chính của họ là đi nhặt phế liệu, ve chai khắp thành phố rồi
mang về khu vực gần lều phân loại rồi chở bằng xe đạp tới nơi thu mua đồng nát bán. Mỗi ngày, họ kiếm được khoảng 40.000 đến 50.000 đồng.
"Nếu nhặt ở gần, buổi trưa tôi về nấu cơm ăn cùng anh Tuấn. Hôm nào đi
xa, tôi ăn tạm thứ gì đó rồi tối về mới ăn một thể. Tiền ăn cũng mất
khoảng từ 10.000 đến 15.000 đồng một ngày", anh Toàn nói.
"Bếp ăn" đặt gần lều người đàn ông câm là vài cục gạch kê vào nhau,
cạnh đó có ấm đun nước, nồi cơm tận dụng từ những lần đi nhặt phế liệu,
bình nước nấu ăn và gia vị. Gần nơi anh câm nằm, cốc bã chè, nồi, bát,
sách báo la liệt bẩn thỉu.
|
Bếp và vật dụng nấu ăn của những người đàn ông sống ở đây được tận dụng từ những lần nhặt nhạnh phế liệu. Ảnh: Bình Minh.
|
Kế bên lều anh Tuấn là nơi tá túc của ông Tuất. Căn lều tồi tàn
được che đậy từ bất kỳ vật dụng nào bỏ đi. Ông lão với mái tóc bạc,
khoác trên người bộ quần áo nhem nhuốc đã không còn minh mẫn, thỉnh
thoảng lại giơ tay chào người đi đường và huyên thuyên kể chuyện chiến
tranh. Không còn khỏe, ông Tuất kiếm được ít hơn nên bữa ăn thường đạm
bạc, đôi lúc chỉ là cốc bia cho qua bữa.
Nhắc đến hai người bạn hàng xóm, anh Toàn tâm sự, ai cũng có nỗi niềm
riêng. Anh Tuấn đã có vợ, con ở quê. Con còn nhỏ nên anh tranh thủ ra Hà
Nội kiếm thêm. Tiền kiếm được chẳng đáng là bao nên anh ít về nhà. Thi
thoảng ở quê lên, anh lại được vợ chuẩn bị cho một bọc quần áo. Vợ và
gia đình cũng không biết hiện tại anh phải sống trong bụi cây.
Kể về hoàn cảnh của mình, anh Toàn cho biết cách đây ba năm lên Hà Nội
sau khi gia đình riêng gặp chuyện buồn và được anh Tuấn rủ về sống ở xóm
lều. Từ đó, xóm "đông đúc" với 3 căn lều căng tạm vào cành cây. Không
có nước sạch sinh hoạt, cả ba xin hoặc mua nước đóng vào chai để dùng
dần. Khi nào muốn giặt giũ quần áo, 3 người lại mang ra hồ Tây gần đó.
Không có điện cũng chẳng thắp nến, khi nào muốn "giải trí", họ ngồi ngắm
đường và người qua lại.
Nhớ lại những ngày đầu về sống ở đây, anh Toàn chia sẻ, ban ngày thường
phải gỡ bạt ra, ban đêm mới dám căng lại vì sợ dân phòng phát hiện. Mùa
hè, lều nóng bức và nhiều muỗi, còn mùa đông mưa phùn lạnh buốt. Hôm oi
bức, nước sông Tô Lịch bốc mùi cùng với mùi rác rưởi, xú uế xung quanh,
còn những ngày lạnh, gió rít lách qua chỗ bạt hở khiến người nằm bên
trong không ngủ được.
"Do khu này rậm rạp nên nghiện thường vào đây chích hút. Có lần nửa
đêm, tôi và anh câm phải dậy để đuổi chúng đi. Đi làm về mệt, ngủ say
quá, trộm còn lẻn vào lều lấy mất chiếc xe đạp mặc dù tôi đã khóa hẳn
hai bánh", anh Toàn kể.
Giải thích cho lý do bám lều, anh Toàn bảo ở nhà trọ vừa tốn tiền lại
không có chỗ để phế liệu. Hơn nữa, "sống đâu quen đấy" khiến ba người
đàn ông không muốn chuyển đi chỗ khác. Đã 3 năm nay anh Toàn chưa
về nhà vì vợ con chẳng còn ai. Là con thứ hai trong gia đình có 4 anh
em, anh từng đi bộ đội rồi về làm công nhân nhà máy, nhưng công việc
không thuận lợi, chán nản, anh bỏ nhà đi. Mỗi lần người thân gọi điện
hỏi thăm, anh đều nói mình vẫn ổn và sống tốt.
Chỉ vào chiếc chăn lông được một nhóm từ thiện tặng, anh Toàn tỏ ra áy
náy: "Cảm ơn đã tặng chăn cho tôi, nhưng tôi vẫn còn sức khỏe và kiếm
tiền được nên cũng chưa cần mọi người hỗ trợ. Bây giờ nếu bị đuổi khỏi
đây, chúng tôi cũng chưa biết ở đâu", anh Toàn nói.