Những ngày qua, thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận" được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chất lượng của mì tôm (hay còn gọi là mì ăn liền) được đề cập đến khi trước đó, đã có rất nhiều phát hiện bất lợi cho loại thực phẩm này.
Mì gói có chứa phẩm màu Tartrazine (E102)
Đầu tháng 8/2011, thông tin mì gói có chứa phẩm màu Tartrazine (E102), có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với nam giới và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, như gây phản ứng hen, phát ban, phá hủy ADN... khiến dư luận hết sức hoang mang.
Được biết, E102 là chất màu tổng hợp có màu vàng chanh, không chỉ được sử dụng phổ biến ở mì ăn liền mà còn có trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack…
Theo đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định rằng, phẩm màu E102 đã được Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm Quốc tế FAO/WHO (gọi tắt là JECFA) cũng như Ủy ban khoa học Châu Âu thống nhất quy định mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được ADI 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày.
Ở Việt Nam, việc sử dụng phẩm màu E102 đã quy định có tính pháp lý (QĐ 3742). Dù vào thời điểm hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có một thông báo chính thức hay một cuộc nghiên cứu nào liên quan đến các sản phẩm mì gói bán trong nước có sử dụng phẩm màu E102.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khi đó cho biết: "Dù chất E102 hiện nay vẫn nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam nhưng nếu đặt lợi ích, quyền lợi NTD lên trên, đặc biệt là vấn đề sức khỏe thì doanh nghiệp phải chủ động trong việc tìm một thứ phẩm màu an toàn khác thay thế.
Chúng tôi sẽ có công văn chính thức kiến nghị Bộ Y tế đưa chất E102 ra khỏi danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm theo Quyết định 3742/QD BYT ngày 31/8/2001 của Bộ Y tế".
|
Việt Nam tiêu thụ 5,1 tỷ gói mì tôm trong năm 2012 (Ảnh: Phạm Liễu) |
Mì ăn liền chứa muối natri
Thông tin trên tờ Petro Times cho biết, theo tiêu chuẩn Codex của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), mì ăn liền được phép sử dụng các chất điều chỉnh axít, chất tăng cường hương vị, chất làm đông đặc, chất giữ ẩm, chất chống ôxy hóa, chất xử lý bột, hóa chất bảo quản…
Tuy nhiên, trong đó đáng nói nhất là muối natri, là nguyên nhân chính làm cho mì ăn liền trở thành món ăn có hàm lượng natri cao. Và khi có hàm lượng Natri cao, mì ăn liền có thể gây tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, suy thận và một số vấn đề sức khỏe khác. Cũng chính bởi vậy mà các nhà y khoa đã khuyến cáo thậm chí chống chỉ định đối với những người cao huyết áp không được ăn nhiều thực phẩm giàu natri.
Hiệp hội Người tiêu dùng Penang (Malaysia) mới đây đã làm một cuộc kiểm tra trên 10 mẫu mì ăn liền thì phát hiện 3 mẫu trong đó chứa hơn 1.000mg natri, những mẫu còn lại chứa 830mg. Như vậy, nếu ăn mì ăn liền thường xuyên, lượng natri trong cơ thể sẽ tăng cao và chắc chắn nhiều hơn mức cho phép mà cơ quan y tế quốc tế đã đặt ra là 2.400mg natri/ngày cho người trưởng thành vì cùng với mì sẽ còn nhiều món ăn khác trong ngày có natri.
Mì tôm chứa chất sáp
Cũng theo tổ chức FAO, không chỉ natri mà chất sáp có trong mì cũng gây tổn hại cho sức khỏe.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy sau khi đổ nước nóng vào bát mì, một lúc sau sáp sẽ nổi trên mặt nước. Hoặc nếu để bát mì nguội lạnh, một lớp sáp như váng mỡ nổi lên trên. Đây chính là chất propylene glycol, một hóa chất chống đông cũng như giữ ẩm, được FAO cho phép sử dụng 10.000mg/kg.
Chất này, trong quá trình sản xuất sẽ được “bao” lấy sợi mì để sợi mì không “đóng bánh” lại khi đổ nước nóng vào.
Tuy nhiên, lợi bất cập hại ở chỗ khi làm cho sợi mì không đóng bánh (dù với hàm lượng nào) thì chất sáp lại khiến sức khỏe của con người bị ảnh hưởng do chất propylene glycol dễ dàng được hấp thụ và tích tụ trong tim, gan, thận gây những bất thường và tổn thương. Đặc biệt nó còn làm suy giảm hệ thống miễn dịch ở người.
Dầu ăn hoặc mỡ dùng để chiên mì tôm
Cùng với chất sáp, natri, dầu ăn hoặc mỡ dùng để chiên mì tôm cũng là nỗi lo ngại của người tiêu dùng. Bởi nếu dầu ăn đó được tái sử dụng nhiều lần sẽ sinh ra các chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khỏe mà còn đến tính mạng của con người.
Theo lý giải của các bác sĩ chuyên khoa, khi nhiệt độ cao, vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu (mỡ) bị phá hủy gần hết, thậm chí sinh ra các độc tố.
Cụ thể, ở nhiệt độ 180 độ C, dầu ăn sẽ có các phản ứng hóa học để rồi sinh ra chất aldehyde, fatty acid oxide… Các chất này khi vào cơ thể cùng thức ăn sẽ phá hoại các men tiêu hóa, phát sinh các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhịp tim chậm, huyết áp tăng cao, tiêu chảy… Nếu sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần các chất độc tố trên càng sinh ra với hàm lượng nhiều hơn, gây bệnh ung thư và “cướp” đi tính mạng của thực khách.
Vậy có nên tiếp tục ăn mì ăn liền hay không? Theo Tổ chức Y tế thế giới, đối với những căn bệnh ung thư có liên quan “từ miệng mà vào” thì nếu thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn những thức ăn có ít nguy cơ gây bệnh, người tiêu dùng sẽ ngăn ngừa ít nhất được 30% tất cả các bệnh ung thư. Cho nên đối với mì ăn liền, chỉ nên ăn chừng mực, hạn chế nhất định, chỉ trong trường hợp “bất khả kháng” mới ăn mà thôi
.
No comments:
Post a Comment