Coco Chanel: Huyền thoại và Cuộc đời
"Bà là một đứa con hoang. Cha của bà không bao giờ xuất hiện và cũng không có trách nhiệm đối với bà."
Cây bút chuyên viết về thời trang Justine Picardie viết cuốn "Coco Chanel: The Legend and The Life," xin tạm dịch "Coco Chanel: Huyền thoại và Cuộc đời”, đây là cuốn sách mới nhất về nhà thiết kế này.
Mặc dù cha bà luôn vắng mặt, nhưng ông lại có ảnh hưởng rất lớn đến bà.
Justine Picardie nói "Cha bà là một thương nhân luôn đi làm ăn ở hết nơi này tới nơi khác. Ông buôn bán cúc áo và ruy băng, một số những phụ kiện mà quí vị có thể thấy trên các thiết kế của bà Chanel."
Khi bà 11 tuổi, mẹ bà qua đời. Cha bà đã đưa bà vào cô nhi viện. Ở đó bà đã học may vá.
"Bà cũng phát hiện ra những yếu tố đã biến bà trở thành một nhà tạo mẫu thiết kế tuyệt vời, đó là sự kết hợp giữa tối và sáng, giữa trắng và đen. Những viên ngọc trai chiếm phần quan trọng trong thiết kế của Chanel, gợi nhớ nhiều tới xâu tràng hạt của các nữ tu, hay những sợi thắt lưng kiểu dây xích đeo quanh thắt lưng các vị này. Cho tới giờ những chuỗi dây xích nhỏ xíu này vẫn được gắn nơi gấu những chiếc áo khoác của Chanel.”
Bà Chanel đã rời bỏ cô nhi viện và đi hát ở những hộp đêm. Với số tiền của một người tình, bà đã mở một tiệm may mũ ở Paris. Tác giả Picardie cho biết khách hàng của bà rất yêu thích những bộ quần áo bà mặc và muốn có những bộ giống như vậy.
"Thời đó phụ nữ vẫn mặc áo nịt ngực bó sát. Họ mặc những chiếc cái áo đầm chật đến nỗi họ không thể thở được, chứ đừng nói là để đi lại, chạy hay làm việc. Chanel đã loại bỏ những chiếc áo nịt ngực đó và những phụ kiện không cần thiết – ví dụ như bông hoa bằng lông to tướng trên mũ và những màu sắc quá sặc sỡ và gần như tương phản nhau."
Chanel đã sáng tạo ra mẫu thiết kế biểu tượng của thế kỷ 20: chiếc áo đầm nhỏ mầu đen.
Dựa vào những cuộc phỏng vấn với những người quen của bà còn sống, họ hàng và nhân viên của bà cũng như Karl Lagerfeld, giám đốc tạo mẫu của Chanel, Picardie nói rằng bà đã có thể mường tượng ra con người thật của Chanel.
"Bà là tập hợp của các mâu thuẫn, đôi khi không vui và rất cô đơn. Có những giai đoạn khác bà lại vô cùng vui sướng và cảm thấy mãn nguyện vì những thành công trong đời. Nhưng tôi nghĩ rằng sự chối bỏ mà cha bà là người khởi xướng đã tự lặp lại. Và đến cuối đời, mặc dù có một vài người bạn rất thân, nhưng bà vẫn ra đi trong cô đơn.”
Picardie đã đề cập đến việc bà hợp tác với những người Đức chiếm đóng ở Paris hồi Thế chiến thứ Hai.
"Bà đã có quan hệ với một người Đức trong thời gian diễn ra cuộc chiếm đóng ở Paris. Ông là một điệp viên hai mang làm việc cho cả Anh và Đức."
Suzy Menkes là chủ bút chuyên về thời trang của tạp chí International Herald Tribune.
Bà Menkes nói: "Có những người tuyệt vời và đã ra tay giúp đỡ. Tuy nhiên, có những người khác lại hợp tác với Đức và chắc chắn là Coco Chanel đã hợp tác với họ. Nhưng như quí vị đã biết bản thân công ty trong 40 năm qua do một gia đình Do Thái điều hành. Tôi không nghĩ rằng mọi người vì sự hợp tác của bà mà phản đối công ty.”
Nhưng theo tác giả Picardie thì mọi người đã phản đối bà Chanel khi bà quay trở lại Paris vào năm 1954 -- sau thời gian sống lưu vong.
"Báo chí thời trang Pháp đã đăng những bài nhận xét kinh khủng có lẽ để trừng phạt bà. Nhưng trên thực tế, bộ sưu tập mà họ chê bai là một bộ sưu tập tuyệt vời: những chiếc áo khoác vải tuýt, áo khoác len và những bộ vét mềm.”
Thập niên 1950 và 60 là giai đoạn mà bà Chanel nổi tiếng nhất.
"Bà đã thiết kế thời trang cho rất nhiều người nổi tiếng kể cả Brigitte Bardot, Jane Fonda, Elizabeth Taylor và Marilyn Monroe. Chanel cũng thiết kế váy áo cho bà Jackie Kennedy."
Chủ biên về thời trang Suzy Menkes nói: "Bí quyết của bà Chanel là sự trong sáng, hiện đại, đó là ký hiệu của chữ C, và đối với tôi đó là tư duy rất hiện đại, năng động và tiến bộ. Chắc chắn là nhãn hiệu này đã được quản lý rất tốt kể từ khi bà qua đời. Karl Lagerfeld chắc hẳn đã tiếp thêm sức sống mới cho Chanel và ông vẫn tiếp tục làm như vậy."
Menkes nói rằng đó là lý do tại sao Chanel vẫn là một thương hiệu biểu tượng. Nhà thiết kế vẫn sống mãi như tự thân của nguồn cảm hứng.
No comments:
Post a Comment