Gần đây câu chuyện về lãi suất thực (real interest rate) dương hay âm trở nên ồn ào, đặc biệt là sau phần trả lời báo chí “gây sốc” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/08/2011 thì “tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình có một phát biểu gây ‘sốc’ khi khẳng định sẽ ‘định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương’ bởi ông cho rằng đó là điều ‘vô lý’.  Theo lý lẽ của người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ thì ‘ở các nước người dân mở tài khoản, ngân hàng giữ hộ tiền, (chứ) ngân hàng không phải là kênh đầu tư… Nếu người dân muốn kinh doanh vốn, phải đầu tư ở thị trường chứng khoán”.
Tờ báo này bình luận:  “Hàng chục vạn người có tiền gửi ngân hàng đã xôn xao về phát biểu này. Bởi lẽ suốt mấy tháng nay người dân cố gắng chịu đựng mức lãi suất tiền gửi bị NHNN khống chế 14%, trong khi chỉ số lạm phát so với cùng kỳ đã trên 20%, so với cuối năm 2010 là trên 17%. Cố chịu vì họ hy vọng lạm phát sẽ được kéo giảm, đồng nội tệ họ đang nắm giữ sẽ lên giá và sinh lời tí chút nhờ lãi suất tiền gửi. Tuyệt đại đa số không ai có nhu cầu nhờ ‘ngân hàng giữ hộ tiền’ như thống đốc nói cả!”
Quan điểm bỏ lãi suất thực dương của Thống đốc Bình không chỉ vấp phải sự phản đối của một số tờ báo như Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh mà còn chịu trận từ phía các “chuyên gia”. Vietstock đăng lại bài từ TBKTVN phản ánh quan điểm của ông Vũ Đình Ánh (một chuyên gia trong Bộ Tài Chính) cho rằng “khi tôi đọc thấy tuyên bố: không thể có nguyên tắc lãi suất thực dương, tôi rất sốc. Ngân hàng là trung gian tài chính mà ở đó, họ thu hút nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi trong dân cư, sau đó cho vay những ai cần; thực hiện chức năng phân phối nguồn vốn từ tiết kiệm đến đầu tư. Không thể lập luận, ‘người dân gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng giữ hộ thôi, còn muốn tốt hơn thì đi kinh doanh’”.

Bài báo này cũng đưa thêm quan điểm của ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Theo ông Nghĩa, lãi suất chỉ (nên) giảm khi lạm phát đã giảm. Ông cho rằng: “ ‘
Tôi hy vọng đến tháng 9/2011 lãi suất sẽ giảm. Vài tuần qua, lãi vay đã giảm vài phần trăm, nhất là ở các ngân hàng lớn. Cơ sở ở đây là lạm phát tính theo tháng đang có xu hướng giảm dần’. Điều này cho thấy, muốn giảm lãi suất thì phải kéo lạm phát xuống. Khi đó, lãi suất tiền gửi hạ theo, nhờ đó có thể giảm lãi suất tiền vay. Như vậy, giữa lạm phát và lãi suất có mối quan hệ rất chặt chẽ”.
Câu nói của Thống đốc Bình có thể gây “sốc” hay không gây “sốc” tùy theo cảm nhận của từng người, nhưng 2 quan điểm chính của ông về lãi suất thực âm và chức năng giữ tiền (money warehousing) của hệ thống ngân hàng không phải là những nội dung xa lạ hoặc gây “sốc”.
Câu chuyện lãi suất thực âm thực ra là câu chuyện phổ biến trên khắp thế giới tại thời điểm hiện nay. Ronald Stoeferle thuộc Erste Group thống kê chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trong năm 2011. Kết quả cho thấy đa số đang có tình trạng lãi suất thực âm. Đứng đầu bảng là Nga, tiếp sau là Hồng Kông, Singapore, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Áo, Pháp, Hà Lan, Canada…
Lý do chính của hiện tượng lãi suất thực âm trở nên phổ biến tại thời điểm hiện nay bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế. Với tình trạng đình trệ tiếp diễn và nguy cơ rơi vào suy thoái kép hiện nay, phần lớn các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn đang giữ lãi suất ở mức thấp (kể cả chấp nhận thấp hơn lạm phát) để hỗ trợ khối doanh nghiệp vượt thoát khỏi khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng.
Quan điểm về chức năng money warehousing của hệ thống ngân hàng cũng không phải là quan điểm lạ lẫm gì. TS. Lê Hồng Giang gần đây có nhận xét rằng quan điểm của Thống đốc Bình khá giống quan điểm của Ron Paul viết trong cuốn “End the Fed”. TS. Giang còn dẫn nguồn từ Financial Times cho rằng từ khoảng giữa tháng 06 năm nay, một số ngân hàng Thụy Sĩ bắt đầu trả lãi suất danh nghĩa âm (cũng có nghĩa lãi suất thực âm vì không có vấn đề giảm phát của đồng Swiss franc), nghĩa là khách hàng phải trả phí để được gửi tiền vào tài khoản của họ. Đây là hệ quả của việc đồng Swiss franc tăng giá quá mạnh nên số lượng tiền gửi vào các ngân hàng Thụy Sĩ tăng lên quá nhanh và các ngân hàng không biết phải làm gì với số tiền này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với một ngân hàng lớn của Mỹ ngay cả khi đồng USD đang bị mất giá trầm trọng. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng hiện nay đang dần thiên về chức năng warehouse thay vì chức năng trung chuyển vốn.
Mặc dù hợp với xu hướng chung của quốc tế, quan điểm về việc áp dụng lãi suất thực âm tại thời điểm hiện nay có thể mâu thuẫn với lập trường của các chuyên gia (giáo điều?) đứng trên lập trường thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Về vấn đề này tôi sẽ bàn đến trong một bài viết sau.
Riêng với lập trường dân túy của tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh thì có thể nói ngay rằng nội dung bài báo này hoàn toàn không có cơ sở. Từ đầu năm tới nay, mặc dù NHNN ấn định trần lãi suất huy động ở mức 14% nhưng người có tiền gửi ngân hàng vẫn có thể gửi được ở mức từ 17% đến 20% dưới các hình thức quà tặng, phí tư vấn…Và theo quy định về thuế của Việt Nam hiện nay thì các thu nhập từ lãi tiền gửi này không phải nộp thuế. Việc này khiến cho người đi gửi tiền ở ngân hàng để nhận lãi tiền gửi có lợi hơn nhiều so với người đưa tiền vào làm ăn kinh doanh vì kiếm được mức lợi tức trước thuế trên vốn chủ sở hữu khoảng 20% tại thời điểm hiện nay là rất khó, và còn bị đánh nhiều loại thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân).
Thế nên không có chuyện người giữ tiền gửi ở ngân hàng chịu thiệt trong giai đoạn vừa qua. Còn trong giai đoạn sắp tới, ngay cả khi nếu các ngân hàng thương mại triệt để tuân thủ quy định huy động với lãi suất huy động không quá 14% thì chuyện người gửi tiền có bị thiệt hay không là chuyện của tương lai. Người gửi tiền chỉ chịu thiệt nếu, giả sử họ gửi tiền tại thời điểm này với mức lãi suất theo năm là 14%, khi đáo hạn và rút tiền ra thì mức lạm phát tính theo năm cao hơn 14% mà thôi.

Trần Vinh Dự