Truyền thống ăn nhau thai ngàn năm ở Trung Quốc
Sau khi sinh nở, Wang Lan trở về nhà với một bé gái sơ sinh và
nhau thai của cô, thứ mà cô sẽ ăn cùng với súp, một việc chẳng hề lạ lẫm trong y
học cổ truyền Trung Quốc.
|
Nhưng viên thuốc nhau thai ở Trung Quốc. Ảnh:
Bussinessinsider/Flickr |
Nhau thai được cho là có lợi cho sức khỏe và những lời truyền
miệng về tác dụng của nó đang bắt đầu râm ran ở những nước phương Tây, nơi cũng
đã có người tin rằng nó có thể giúp tránh được sự suy nhược sau khi sinh nở, cải
thiện nguồn sữa và tăng cường sinh lực.
Việc ăn nhau thai của một đứa trẻ sau khi được sinh ra thực ra
khá phổ biến suốt hơn 2.000 năm qua ở Trung Quốc, nơi mà nhiều người nghĩ rằng
nó có thể giúp chống lão hóa.
"Nó giờ đang ở trong tủ lạnh còn tôi thì đang chờ mẹ đến và nấu
ăn. Sau khi rửa sạch, nó có thể được ninh nhừ để làm súp mà không còn mùi như
mùi cá nữa", Wang nói, và cho biết thêm rằng cô tin nó có thể giúp cô hồi phục
sau sinh.
Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của một nước Trung Hoa thống
nhất, được cho là đã coi nhau thai là thứ có tác dụng đối với sức khỏe từ 2.200
năm trước. Dưới thời nhà Thanh, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung
Quốc, Từ Hy thái hậu cũng được cho là ăn nhau thai để duy trì sự thanh xuân.
Một bài thuốc cổ truyền từ thời nhà Minh (1368-1644) cho rằng
nhau thai, cơ quan nối bào tử đang phát triển với thành tử cung và có ý nghĩa
quan trọng với sự sống của thai nhi, là thứ "vô cùng bổ dưỡng" và "nếu được ăn
trong thời gian dài thì có thể giúp đạt được sự trường sinh".
Truyền thông Trung Quốc cho rằng thói quen ăn nhau thai bắt đầu
trở lại với đời sống của người dân nước này hơn một thập kỷ qua. Một bệnh viện
phụ sản ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, cho hay khoảng 10% cặp vợ
chồng mới có con nhận lại nhau thai để mang về sau khi sinh.
Các công thức được trao đổi trên mạng Internet nói về cách làm
thế nào để nấu nhau thai. Một trang web nổi tiếng về sức khỏe khuyên rằng nên ăn
kèm với món súp, bánh hấp, thịt viên hay trộn với các vị thuốc cổ truyền khác
của Trung Quốc.
Trong khi việc bán các cơ quan nội tạng bị cấm từ năm 2005, các
viên thuốc có chứa nhau thai được xay thành bột lại được bán hợp pháp tại các
nhà thuốc ở Trung Quốc. Điều này cho thấy những nhau thai được bỏ lại các bệnh
viện bằng cách nào đó đã tự tìm được đường để tới các công ty dược phẩm.
"Đó là một vị thuốc bổ để củng cố 'khí' và tăng lượng máu trong
người", một thầy thuốc y học cổ truyền ở nhà thuốc Lei Yun Shang ở Thượng Hải
nói, với ý nhắc tới "sức sống" mà nhiều người tin rằng luôn chảy trong cơ thể
con người.
"Doanh số bán rất tốt. Về cơ bản, mỗi khi chúng tôi có nguồn
hàng, chúng đều được bán hết rất nhanh", một nhân viên bán hàng của nhà thuốc
nói trên cho biết.
Và không chỉ có những bà mẹ mới sinh mới có nhu cầu ăn nhau
thai.
Một người đàn ông giấu tên mới lên chức bố ở Thượng Hải kể rằng
những người thân của anh ta rất háo hức để thử thứ dược phẩm khan hiếm này. "Vợ
tôi và tôi khi đó vẫn còn ở trong bệnh viên, nên họ đã ăn hết nó", người này
nói.
Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn cũng tạo nên một thị trường đen ngày
một phát triển với các bệnh viện, các nhân viên bệnh viện và thậm chí cả các bà
mẹ bán nhau thai theo cách vi phạm pháp luật hiện hành ở Trung Quốc.
Năm ngoái, các nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra một bệnh
viện ở thành phố miền nam Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, vì việc bán
nhau thai với giá 20 Nhân dân tệ (khoảng 2 USD) mỗi cái. "Họ (các y tá) nhận
tiền và dùng số tiền này để mua bữa sáng", báo địa phương Xin Kuai dẫn một nguồn
tin.
Nhau thai còn được bán với giá cao hơn ở các vùng khác của Trung
Quốc, ví dụ như thành phố miền đông Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, nơi những
người bán đòi tới 300 Nhân dân tệ (khoảng gần 50 USD) cho mỗi nhau thai. Hầu hết
nguồn cung nhau thai là các bệnh viện, tờ Jinan Times năm ngoái cho biết.
Tháng trước, hải quan Hàn Quốc cho hay họ phát hiện những nỗ lực
nhập khẩu trái phép khoảng 17.000 viên thuốc dạng bao con nhộng được cho là có
chứa thịt đã được nghiền thành bột của các thai nhi đã chết.
Các chuyên gia cho rằng những viên thuốc này có thể thực sự được
làm từ nhau thai người, làm dấy lên những lo ngại rằng việc buôn bán các cơ quan
người ở Trung Quốc đã bắt đầu vươn ra ngoài biên giới nước này.
Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc, có không ít người phản đối việc
ăn nhau thai. "Tôi biết nó có lợi cho sức khỏe, nhưng ý tưởng ăn thịt người thì
thật đáng ghê tởm. Tôi không thể làm việc đó", kế toán Grace Jiang ở Thượng Hải
nói. Jiang đã bỏ lại nhau thai ở bệnh viện sau khi sinh hạ một cậu con trai.
Hà Giang (theo AFP
No comments:
Post a Comment