Giới trẻ ngày nay được đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu là một trong những nguyên nhân làm cho giới trẻ có lối sống sa đọa, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu.
Bài viết dưới đây là góc nhìn của học sinh Trần Hồng Hạnh (lớp 10C2 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu –Nghệ An).
Ảnh minh họa
|
Ngày nay, trong thời buổi mà người ta đang phải bỏ cả một đống tiền ra để mua sức khoẻ, kéo dài mạng sống thì một bộ phận lớn giới trẻ đang bỏ tiền, hay nói đúng hơn là đốt tiền để tự huỷ hoại bản thân, huỷ hoại tính mạng người khác và cả xã hội.
Thỉnh thoảng, người ta bắt gặp trên đường hình ảnh những “phi đội bay” bịt mắt, thả phanh, gạt chân chống cà vỉa hè đến toé lửa.
Những cuộc “bão đêm” với phần thưởng được treo lên đến hàng chục triệu, và giới trẻ đặt vào đó tính mạng mình. Cao hơn tiền, đó chính là những danh hiệu “anh hùng” tự phong, sự tự hào trong mắt bạn bè.
Điều đáng buồn là nếu có xảy ra tai nạn, những vị “anh hùng” ấy phải chịu trận đã đành, nhưng người gánh trách nhiệm nặng hơn là gia đình, là bố mẹ, hay chính những nạn nhân mà họ đâm phải. Do hiếu thắng, đua đòi hay chính sự nuông chiều, thiếu quan tâm của gia đình và xã hội đã đẩy những con người trẻ trở nên lầm lạc?
Để chứng tỏ mình là dân chơi...
Không chỉ thể hiện mình bằng việc đua xe, dùng chất kích thích cũng được cho là một cách thức chứng tỏ mình đã trưởng thành, mình là dân chơi của các thanh niên trẻ.
Các bạn trẻ ngày nay quay sang dùng những món đồ độc hơn, rẻ hơn và an toàn hơn ẩn chứa dưới những cái tên dường như vô hại như đá, cỏ, nước biển, búa lưỡi. "Đá" thực chất là một loại ma tuý tổng hợp, dùng nhiều sẽ gây các tác hại xấu, làm người dùng trở nên hung hãn, gây ra hiện tượng ảo giác, làm những việc bình thường không dám làm như la hét, chạy xe một cách điên cuồng, mất tự chủ đối với bản thân mình. Nếu dùng nhiều sẽ gây nghiện nặng, khó bỏ.
Với túi tiền của học sinh, sinh viên, khó có thể chu cấp đủ cho thú vui của mình lâu dài, từ đó dể dàng nảy sinh ra các tệ nạn xã hội như trộm cướp, rủ rê người khác cùng tham gia hoặc thậm chí buôn bán tàng trữ để có tiền mua “đá”.
Có rất nhiều con đường để đưa một học sinh ngoan ngoãn trở thành một con nghiện thuốc. Có thể do áp lực học hành, muốn tìm một thứ gì đó để giải trí. Có thể do chán nản trong yêu đương, do bản tính hiếu thắng ham vui, ham thể hiện hay do chính những áp lực trong gia đình mà giới trẻ hiện giờ đang phải gánh chịu.
Lỗ hổng từ gia đình?
Phần lớn bố mẹ khi biết được tình hình chính xác về con cái mình thì thường đã là quá muộn. Phản ứng của các bậc phụ huynh thường là ngạc nhiên tột độ, tiếp đến là nghi ngờ, rồi khi xác minh được sự thật họ sẽ ngay lập tức trút cơn giận của mình lên những “đứa con ngoan” mà không cần nghe một lời giải thích hay phân trần rồi trừng phạt con bằng nhiều cách như cấm túc, cắt tiền tiêu vặt, đánh đập chửi bới hay thậm chí là dọa đưa con vào trại cai nghiện.
Có bao giờ họ đã thử một lần suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân? Nếu phần lớn những vị phụ huynh trong trường hợp này thường không quan tâm đến con cái là nhiều, thì số nhỏ còn lại thường là do quá khắt khe với con mình. Họ kiểm soát những đứa trẻ đang trong tuổi ăn, tuổi lớn nhiều hết mức có thể, cấm tiệt mọi giao lưu với bên ngoài và lấp đầy những buổi không đến trường của con bằng những giờ học thêm triền miên với suy nghĩ “Không có việc gì quan trọng hơn việc học”! Có thể những việc làm đó sẽ không làm con bạn phí sức vào những cuộc hội hè vô bổ, nhưng chính trong cái “vỏ bọc” an toàn đó, mầm mống của những sự khủng hoảng trầm trọng tinh thần đang dần được hình thành.
Cần bao dung đúng mực
Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến căn bệnh tự kỷ xuất hiện nhiều ở học sinh thành phố, nhất là khi áp lực học tập đang đè nặng lên vai học sinh hơn bao giờ hết.
Bức xúc, đau khổ, dồn nén mà không thể kể với bố mẹ, giới trẻ giải tỏa bằng cách tự làm đau mình. Mới đây, cư dân trên mạng được dịp xôn xao khi chứng kiến những bức ảnh chụp một nữ sinh tự rạch lên chân mình. Đập ngay vào mắt người xem là hình ảnh bắp chân, đùi và cả đầu gối của cô gái chi chít những vết rạch dọc ngang. Có những vết rất sâu và khô, có những vết thương mới còn đang rỉ máu.
Chưa ai rõ về nguồn gốc của bức ảnh nhưng nó đã thực sự là một hồi chuông cảnh báo cho xã hội về hiện tượng bất ổn trong tâm lý của một bộ phận thanh niên trẻ hiện nay. Họ chưa đủ nhận thức để hiểu rõ hậu quả của những việc mình đang làm, về những căn bệnh có thể mắc phải như nhiễm trùng, uốn ván hoặc nguy hiểm hơn cả là sự mất máu dẫn đến tử vong.
Đó đã không còn đơn giản chỉ là thước đo của sự “dũng cảm”, “anh hùng” hay thậm chí là một trào lưu rạch tay xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, nó đã trở thành một căn bệnh - tâm bệnh hủy hoại dần dần trong tâm hồn những mần non tương lai đất nước.
Cần biết bao sự quan tâm, hỗ trợ và thấu hiểu dành cho họ từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè!
Trần Hồng Hạnh (Lớp 10C2 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu –Nghệ An)
No comments:
Post a Comment