Trang trại độc đáo nhất Việt Nam
SGTT.VN - Nếu chưa đặt chân đến trang trại vani (vanilla) Phú Nghĩa, thật khó có thể hình dung trái vani của vùng Tahiti (một vùng đất thuộc Pháp ở Thái Bình Dương trước đây) xa xôi lại tỏa hương ngạt ngào trên đất Việt.
Cách TP.HCM khoảng 200km, trang trại vani có một không hai tại Việt Nam của bà Bùi Thị Tuyết Mai và ông Frédéric Lacroix (quốc tịch Pháp) nằm cách biệt với khu dân cư bên ngoài. Giữa bạt ngàn núi rừng, vườn vani nổi bật không chỉ vì nó là vườn cây xanh tốt, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn nằm ở tính kiên trì cải tạo thiên nhiên, biến vùng đất khô cằn trở nên xanh tốt của cặp vợ chồng không cùng quốc tịch.
Trang trại vani lớn nhất Việt Nam
Vườn vani của ông Frederic Lacroix rộng 2 hecta đã cho thu hoạch hơn 3 năm
|
Bà Bùi Thị Tuyết Mai cho biết: "Chồng tôi là một kỹ sư nông nghiệp người Pháp tên Frédéric Lacroix. Hơn 15 năm trước, anh có dịp đến Việt Nam công tác. Sau nhiều lần khảo sát và khi nhận thấy điều kiện thời tiết một số nơi trên đất nước ta có thể trồng được vani, Frédéric Lacroix đã quay lại Việt Nam, mang theo một ít cây giống với niềm hi vọng sẽ trồng thành công trên đất Việt. Nhờ biết kỹ thuật chăm sóc giống cây vani và sự quyết tâm nhân giống tại Việt Nam, anh ấy đã trồng thử nghiệm thành công. Sau nhiều chuyến khám phá thực tế, anh quyết định chọn vùng đất Bình Thuận để trồng vani".
Tiếp lời vợ, ông Frédéric Lacroix chia sẻ: "Vani là loại cây trồng cần nhiều công chăm sóc, nên chỉ thích hợp với nhà vườn hoặc trang trại. Cây vani không phải mọc lên từ hạt mà bằng cách giâm nhánh chồi, chỉ có các chồi đủ dài trong khoảng 60 - 100cm và đủ lóng từ 18 đến 24 mắt mới được trồng. Khoảng 4 - 8 tuần lễ sau khi trồng thì cây sẽ bắt đầu ra rễ. Đây chính là giai đoạn cần phải quan sát kỹ, giúp cho cây bám chắc vào trụ và phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho đất.
Là loại cây nhiệt đới nhưng vani lại ưa khí hậu mát mẻ và phát triển tốt trong bóng râm, do đó, cần phải trồng bạch đàn và nhiều cây họ gỗ có nhiều lá và tán rộng để tạo bóng mát, ngăn ngừa bốc hơi nước của đất. Việc cây vani phát triển mạnh mẽ và xanh tốt được tại vùng đất này là một điều rất bất ngờ. Từ hai năm nay vani vẫn cho quả đều đặn, hương thơm không kém gì những loại vani nhập từ nước ngoài".
"Tôi gắn bó với cây vani và mảnh đất Bình Thuận như một cái duyên. Trong một lần đọc tài liệu lịch sử, tôi được biết thật ra người Pháp đã đưa cây vani đến Việt Nam trồng thử nghiệm từ hàng trăm năm trước, nhưng không hiểu sao lại không thành công. Là một kỹ sư nông nghiệp, lại đam mê hương vani từ nhỏ tôi đã nhờ cha của tôi lấy giống về trồng. Và Việt Nam là quốc gia mà tôi thấy khí hậu rất phù hợp, cộng với sự ủng hộ của vợ nên tôi mạnh dạn trồng thử và kết quả là đã tạo ra vườn vani ngát hương thơm như ngày nay. Vani vẫn có thể trồng được ở nhiều địa phương khác tại Việt Nam, nhưng vùng đất nóng Bình Thuận là phù hợp nhất, nên tôi có thể tự hào mà nói rằng, hiện nay trang trại vani Phú Nghĩa là khu vườn trồng cây vani lớn nhất Việt Nam", ông Frédéric Lacroix cho biết thêm.
Phủ xanh vùng đất cháy
Những quả vani khô vừa mới thu hoạch tại trang trại của ông Frederic Lacroix.
|
Trang trại vani của vợ chồng ông Frédéric Lacroix đi vào hoạt động từ năm 2005. Trước đó, toàn bộ khu trang trại này là một ngọn đồi trọc chỉ toàn đất cát và sỏi đá nên rất nóng và gần như không tìm thấy dấu hiệu của mạch nước ngầm. Nhưng nhờ quyết tâm của vợ chồng chủ trang trại, giờ đây ngọn đồi đã được phủ xanh, không chỉ thế, nó còn có mùi hương đặc biệt.
Những người chăn bò lớn phía ngoài trang trại Vani Phú Nghĩa cho biết, họ đã ở đây từ khi trang trại mới đi vào hoạt động, giờ đây họ đã ghiền mùi hương của giống cây này. Họ còn hài hước nói rằng, đàn bò của họ cũng thích hương trái cây vani nên cũng chỉ gặm cỏ quanh trang trại, và hình như nhờ ngửi hương vani nên đàn bò trông mập mạp hơn.
Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu làm trang trại, bà Bùi Thị Tuyết Mai cho biết: "Những ngày đầu khi mới lên khai hoang trồng cây, thật sự tôi không tin vào chính mình. Bạn bè tôi cũng có nhiều người can ngăn nhưng đây là tâm huyết của chồng, cùng với tính siêng năng lao động của nhà nông trong con người tôi nên tôi quyết tâm cùng chồng theo đuổi ý tưởng này. Ngày đó, vợ chồng tôi phải thuê xe cần cẩu, thuê bồn chứa nước đưa vào khu đồi trọc để cho công nhân làm việc. Mọi việc bắt đầu từ hai bàn tay trắng, mỗi ngày tôi và chồng phải cuốc bộ, băng qua con đường cát dài gần 3km từ trang trại ra ngoài với 30kg hành lý trên vai để tiếp tế lương thực và những vật dụng khác. Trải qua mấy tháng trời làm việc cật lực, cơ sở vật chất của trang trại cơ bản được hình thành".
Quả vani tại trang trại Vani của ông Frederic Lacroix tại thôn Phú Nghĩa, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận)
|
Nhớ lại những ngày đầu mới trồng thử nghiệm cây vani, ông Frédéric Lacroix cho biết: "Dù biết khí hậu Việt Nam tương đối phù hợp nhưng tôi cũng không dám mạo hiểm. Ban đầu tôi và vợ trồng thử trên sân thượng nhà mình (nhà của vợ chồng ông Frédéric Lacroix nằm tại đường Cao Thắng, phường 5, quận 3. TP.HCM) và cho kết quả rất bất ngờ, sau đó tôi mới mạnh dạn đưa cây lên trang trại trồng thử. Khi mới bắt đầu trồng vani, tôi chỉ có thể trồng hai ngàn cây bởi vợ chồng tôi không đủ sức vừa khai phá, vừa làm đất, trồng cây, canh giữ... Giờ khu vườn đã được phủ kín với hơn 20 ngàn cây. Trồng vani là một công việc không đơn giản bởi việc chăm sóc nó không giống bất cứ loài cây nào. Phải mất ít nhất năm năm cây vani mới cho ra lứa hoa đầu tiên, và hoa vani chỉ nở đúng 1 ngày trong năm".
Chia sẻ về những khó khăn hiện tại, bà Bùi Thị Tuyết Mai nói: "Dù trang trại đã đi vào hoạt động một cách nhuần nhuyễn, mỗi mùa hoa vẫn có hàng trăm công nhân làm việc nhưng thời tiết nước ta thay đổi thất thường nên cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây vani. Bên cạnh đó, vani có mặt trong hầu hết các gian bếp, từ các món ăn trong gia đình, các nhà hàng, khách sạn lớn đến các bếp công nghiệp như: Bánh, kẹo, thuốc lá, thậm chí là rượu và nước ngọt đều có chút ít hương vị đặc trưng của vani. Do đó, điều mà vợ chồng tôi đang lo lắng nhất là không có nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường".
Ông Lê Thanh Hoàng, phó chủ tịch xã Hàm Cường cho biết: "Trang trại vani của vợ chồng ông Frédéric Lacroix là một kiểu trang trại mẫu được tạo nên từ lòng đam mê và tính kiên trì, chúng tôi cũng rất khâm phục chủ trang trại này khi biến ngọn đồi trọc thành vườn cây quý hiếm. Đây cũng là niềm tự hào của xã nói riêng của tỉnh Bình Thuận nói chung. Việc trồng khảo nghiệm giống lan thực phẩm vani ở Việt Nam rất có ý nghĩa, vì nhóm cây trồng này thích hợp với khí hậu nhiệt đới nhiều mưa, tán rừng râm mát, chúng cho giá trị kinh tế cao, thậm chí rất cao và có thể sử dụng hiệu quả nguồn lao động nông nhàn ở các nhà vườn, trang trại lớn, nhỏ".
|
Theo Người Đưa Tin
No comments:
Post a Comment