Giải pháp giữ tiền khi có bạn đời tiêu hoang
Đặt ra một mục tiêu lớn (ví dụ mua nhà, tậu xe) và cả hai cùng cam kết tiết kiệm cho mục tiêu đó.
Ảnh: Familyshare.
|
Nếu đúng là cách tiêu tiền của bạn đời đang làm ảnh tới tương lai tài chính của gia đình, bạn hãy xem xét những lời khuyên dưới đây của cặp vợ chồng người Mỹ Aaron và April Jacob, đồng sáng lập Nurturing Marriage, một website hướng dẫn cách gìn giữ hôn nhân.
1. Cùng nhau xem xét lại các mục tiêu và ưu tiên tài chính
Một trong những cách tốt nhất để các cặp vợ chồng có cùng quan điểm về tài chính là cả hai có chung mục tiêu và các ưu tiên tài chính với nhau. Thường xuyên rà soát các mục tiêu và ưu tiên là cách tuyệt vời để khẳng định lại quan điểm của bạn.
Tất nhiên, "xem xét lại" nghĩa là vợ chồng bạn đã phải cùng nhau thiết lập các mục tiêu và ưu tiên đó. Nếu hai bạn chưa lập mục tiêu thì đây là lúc cần làm, bởi mục tiêu lớn sẽ định hướng các quyết định tài chính của bạn. Hãy nhớ rằng nếu không có đích thì con đường đi của bạn rất dễ sai lầm.
Thất vọng thường xảy ra ở các cặp vợ chồng không hẳn do một người tiêu quá nhiều mà là một (hoặc cả hai) không đầu tư cho mục tiêu chung. Vì thế, chìa khóa là hãy chia sẻ quan điểm về tài chính thường xuyên và cùng nhau củng cố lại các mục tiêu. Tập trung vào các mục tiêu khiến bạn dễ dàng từ chối mua sắm ở thời điểm hiện tại, do đó bạn có thể chi tiêu thoải mái trong tương lai.
2. Xem lại ngân sách của bạn
Hãy thường xuyên xem xét ngân sách và tình hình tài chính cùng nhau. Cứ sau vài ba tháng, cùng thảo luận xem những gì đã được cải thiện và những gì còn tồn tại, lĩnh vực nào (ví dụ tiết kiệm, học hành, ăn uống hay đi lại....) cần được đầu tư thêm tiền. Sự tăng tiền ở đây có thể được đền bù bằng sự cắt giảm chi phí cho các lĩnh vực khác.
Đây không phải thời gian để chỉ trích thói quen chi tiêu xấu của bạn đời mà là lúc cùng nhau bàn bạc và đưa ra một chiến lược mới, giúp vợ chồng bạn thành công (nên nhớ, hai người luôn là một đội).
Tất nhiên, điều này có nghĩa rằng bạn có một ngân sách phù hợp. Nếu chưa có ngân sách thì bạn cần làm ngay. Điều quan trong là ngân sách phải rõ ràng và cả hai vợ chồng cùng tích cực đóng góp.
3. Cho phép một quỹ cá nhân riêng
Có thể vợ/chồng bạn đang cảm thấy khó khăn, cả hai đã phải hy sinh rất nhiều để đạt được mục tiêu dài hạn, và người ấy có thể cần một chút tiền để thỉnh thoảng chi tiêu. Thậm chí nếu ngân sách của bạn không lớn, bạn không cần phải quá chặt chẽ, hãy thoải mái một chút.
Hãy dành cho mình một khoản nhỏ để chi tiêu cá nhân. Mỗi người nên lập một số tiền mỗi tháng mà mình không phải chịu trách nhiệm với gia đình. Số tiền này có thể gia hạn từ tháng này sang tháng khác, cho phép mỗi người có thể tiết kiệm cho cá nhân nhiều hơn. Đây là một cách làm đơn giản giúp bạn giảm được những căng thẳng tài chính mà bạn có thể gặp trong hôn nhân của mình.
4. Trao quyền cho bạn đời
Khi cả hai đã thảo luận các mục tiêu và ưu tiên với nhau, khi ngân sách đã được thiết lập, bạn cũng nên trao quyền cho người bạn đời. Bạn không phải là bố mẹ của cô ấy/anh ấy, các bạn chỉ là vợ chồng, là những người bạn tốt nhất của nhau, các bạn đang ở cùng một nhóm và chỉ có thể thành công cùng nhau. Các bạn nên thảo luận khi mua bán chi tiêu, đặc biệt là những món đồ lớn. Bạn không nên để người bạn đời cảm thấy bạn như là sếp của họ.
Bằng cách trao quyền cho người bạn đời trong chi tiêu, bạn có thể ngạc nhiên với cách trả lời của anh ấy/cô ấy. Lúc đó, người bạn đời có thói quen chi tiêu xấu có thể nghĩ lại và cố gắng cải thiện. Điều đó không có nghĩa là sau một đêm, người kia sẽ có những quyết định hoàn hảo nhưng ít nhất họ cũng biết cách đi đúng đường.
5. Hãy nhớ, tiền của hai bạn làm trong thời kỳ hôn nhân là cùng nhau
Hãy nhớ rằng, hôn nhân là một sự kết hợp bình đẳng. Đừng để một trong hai người cảm thấy tiếng nói của mình không có giá trị. Dù có thể một người có nhiều tiền hơn thì tiền của hai người vẫn là chung.
Trong hôn nhân, có thể một người là người kiếm tiền chính. Thậm chí nếu bạn là trụ cột gia đình, bạn vẫn nên nhớ rằng các bạn tiếp cận các ngân quỹ là cùng nhau. Nếu một người đi làm ở công sở, một người ở nhà nội trợ thì giá trị hai người mang lại cho cuộc hôn nhân là vẫn như nhau.
Hãy nhớ rằng, hai người đã trên cùng một thuyền vì thế các bạn nên hỗ trợ nhau để cả hai có thể làm tốt vai trò của mình. Mỗi người cũng cần biết hy sinh những lợi ích của mình vì người khác. Bằng cách làm việc cùng nhau, cả hai có thể tạo ra một tương lại tài chính thoải mái và kéo dài hôn nhân của mình
.
.
No comments:
Post a Comment