Bắc Triều Tiên chật vật chống cự với một dịch lao phổi kháng thuốc
Ông Stephen Linton, chủ tịch Quỹ Eugene Bell ở Seoul, vừa trở về từ Bắc Triều Tiên, nơi ông đã đi thăm gần 70 lần để làm công tác nhân đạo kể từ năm 1979.
Ông cho biết: “Người dân Bắc Triều Tiên nói với tôi rằng bệnh lao là mối quan tâm chủ yếu về y tế công cộng, đứng hàng thứ nhất, thứ nhì và thứ ba.”
Các điều kiện ở Bắc Triều Tiên là lý tưởng cho sự lây lan bệnh lao. Khí hậu lạnh giá. Đa số người dân sống và làm việc trong những nơi chật hẹp, và thiếu dinh dưỡng đúng cách để duy trì một hệ thống miễn nhiễm lành mạnh.
Ông Linton cho biết tổ chức của ông hiện đang tập trung chủ yếu vào việc phòng chống những vụ bột phát bệnh lao kháng lại nhiều loại thuốc ở Bắc Triều Tiên.
Tổ chức đang chữa trị cho 600 bệnh nhân ở Bắc Triều Tiên với chi phí cho mỗi ca bệnh là 2.000 đôla một năm. Đây là một phương pháp trị liệu mạnh trong nhiều năm với các loại thuốc thứ yếu gây ra những phản ứng phụ nghiêm trọng.
Theo ông Linton, hậu quả rất u ám cho những người không tiếp cận được với chương trình đắt tiền này.
Ông nói: “Đó là số phận của một người bệnh kháng thuốc ở bất cứ nơi nào không có thuốc. Tôi nghĩ đời sống trung bình kéo dài sẽ chưa đầy 5 năm. Điều còn tệ hại hơn là có rất nhiều rủi ro là họ sẽ truyền hình thức bệnh lao kháng thuốc này cho gia đình, hay đồng nghiệp, hay bất cứ ai tiếp xúc với họ. Vì thế nó trở thành không những một tấn thảm kích cá nhân mà còn là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.”
Bản thân cũng mắc bệnh lao lúc còn nhỏ ở Nam Triều Tiên, ông Linton nói khó mà biết được dịch bệnh này lan tràn đến mức nào ở miền Bắc.
Ông nói: “Tôi không cho rằng có ai biết được bởi vì chưa thực hiện công tác khảo cứu chính. Tất cả những gì chúng ta đang làm là cứu xét vấn đề qua những lỗ khóa của 6 tổ chức khác nhau. Nhưng, chẳng hạn như phía Bắc Triều Tiên có thể xác định người bệnh mà họ nghi là mắc chứng MDR. Và khi chúng ta thử nghiệm thì từ 95% đến 98% là đúng thế. Họ có đủ bệnh nhân trong danh sách chờ đợi để tăng gấp đôi chương trình. Do đó tôi có thể mường tượng con số bệnh nhân MDR có thể dễ dàng lên tới hàng ngàn trong tình huống hiện tại.”
Là một công dân Mỹ làm việc ở Nam Triều Tiên cống hiến công sức để giúp những người đau yếu ở Bắc Triều Tiên, ông Linton tìm cách tránh những vấn đề tế nhị về chính trị ở cả ba quốc gia ảnh hưởng đến luồng cứu trợ.
Nhưng tổ chức của ông nhấn mạnh đến việc đi thăm bất cứ cơ sở nào ở Bắc Triều Tiên mà họ cung cấp sự trợ giúp.
Giới hữu trách ở Bình Nhưỡng kiểm soát chặt chẽ những người đến thăm, và đã tiếp đón ông Linton có lẽ nhiều lần hơn so với bất kỳ công dân Mỹ nào. Tuy nhiên, cho dù ông chưa được phép cư trú ở đó để kiểm tra công tác cứu mạng người của mình. Ông Linton nói, thay vì thế, tổ chức của ông đã tập trung vào việc đào tạo các nhân viên chăm sóc để tự quản lý chương trình của mình.
Viện Kinh tế Triều Tiên, có trụ sở ở Washington, nói rằng sự cô lập ngoại giao của Bắc Triều Tiên gây trở ngại cho việc tiếp cận các chương trình được sự tài trợ quốc tế để phòng chống bệnh lao MDR.
Nguyên do một phần là các biện pháp chế tài kinh tế do cộng đồng quốc tế áp đặt lên nước này vì các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn của họ.
Viện này nói các biện pháp chế tài đã có hậu quả vô tình là gây trầm trọng thêm cho tình trạng khủng hoảng y tế công cộng của Bắc Triều Tiên.
voanews
No comments:
Post a Comment