Hy Lạp bị nợ nần chồng chất hôm nay tiến gần hơn tới chỗ thành lập một chính phủ liên hiệp và kinh tế gia Lucas Papademos có phần chắc sẽ giữ chức thủ tướng lâm thời.

Đương kim Thủ tướng George Papandreou thuộc phe xã hội yêu cầu nội các ông từ chức trước khi dạt được thỏa thuận với lãnh tụ đối lập Antonis Samaras về tân chính phủ để nắm quyền cho tới khi tổ chức bầu cử vào đầu năm tới.

Ông Papademos, cựu phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu, được xem là một nhà kỹ trị và là một nhân vật phi đảng phái có thể thực hiện những biện pháp kiệm ước mà các chủ nợ quốc tế đòi Hy Lạp phải thực hiện.

Trong khi đó, những mối lo ngại mới về vấn đề nợ nần của Âu Châu đang nhanh chóng xuất hiện ở Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 Âu Châu sau Đức và Pháp.

Chi phí vay mượn của Italia đã tăng tới mức gần 7%, tiến gần tới mức không thể kéo dài từng buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải xin quốc tế cứu nguy cách nay một năm rưỡi.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đang gặp áp lực đòi ông từ chức, và có thể bị mất thế đa số ở quốc hội.

Một cuộc biểu quyết then chốt về vấn đề tài chánh công được ấn định cho ngày hôm nay, trong lúc chính phủ chật vật với việc cắt giảm chi tiêu và kiểm soát khoản nợ quốc gia lên tới 2,600 tỉ đô la.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu e rằng Italia có thể là quốc gia kế tiếp cần quốc tế cứu nguy, nhưng qui mô của kế hoạch trợ giúp tài chánh này có thể vượt quá khả năng của Liên hiệp Âu Châu.


Lãnh tụ Liên đoàn Miền Bắc, ông Umberto Bossi, một đồng minh chính của ông Berlusconi trong chính phủ liên hiệp, đã kêu gọi nhà lãnh đạo Italy từ chức trước khi diễn ra cuộc biểu quyết về ngân sách.