Việt Nam dự kiến xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trong năm nay, chiếm hơn 20% tổng số lúa gạo mua bán trên thị trường quốc tế.

Tân Hoa Xã trích lời các giới chức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết như thế hôm thứ Năm.

Bản tin nói thêm rằng các chuyên gia tham dự một hội nghị quốc tế về lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng cho biết lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam có thể lên tới 10 triệu tấn vào năm 2015 hoặc 2016.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng lúa gạo Việt Nam có thể tăng lên tới 44 hoặc 45 triệu tấn vào năm 2015, trong đó có hơn 9 triệu tấn có thể được dành để xuất khẩu.

Tuy hoạt động xuất khẩu gạo có triển vọng tốt, tình hình nhà nông Việt Nam lại không mấy sáng sủa. Tường thuật hôm thứ Tư của báo Lao Động trích lời Tiến Sĩ Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long của Đại học Cần Thơ, nói rằng “hạt gạo Việt Nam đang bị cắn chia làm tám, nên lợi nhuận của người trồng lúa bị teo tóp”.

Ông Sánh cho biết hiện nay hạt gạo của nhà nông Việt Nam bị chia làm 8, trong đó có 4 nhà đầu tiên là nhà băng, nhà cung ứng vật tư, nhà mình (tiêu dùng cho gia đình), nhà hàng xóm (các chi phí cho hoan, hôn, tang, tế), và kế đến là nhà xuất khẩu.

Theo ông Sánh, các nhà xuất khẩu gần như có đặc quyền quyết định giá lúa hàng năm căn cứ vào hiệu quả kinh doanh mà không nhìn vào hầu bao lép kẹp của nông dân. Tiến Sĩ Nguyễn Văn Sánh cho biết phần thứ 6 của hạt gạo Việt Nam bị “ông CPI” cắn chia vì lúa gạo do nông dân làm ra phải làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng, chứ không thể tăng,giảm tự nhiên theo nhịp điệu của thị trường thế giới.

Ông Sánh nói thêm rằng phần thứ 7 là nhiệm vụ ngoại giao: gúp chính phủ trao đổi thế mạnh với các nước và phần thứ 8 là nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào an ninh lương thực thế giới.

Nguồn: Xinhua, Lao Dong