Phần lớn các phụ nữ bị đưa lậu vào Australia đến từ châu Á và Đông Âu. Những người này bị lừa gạt bởi những lời hứa hẹn sẽ có được công việc lương cao hoặc được nhận vào học tại một trường đại học, nhưng rốt cuộc phải lâm vào cảnh nô lệ tình dục.

Có những bằng chứng cho thấy hình thức buôn người này đang có chiều hướng gia tăng trong nhiều lãnh vực khác, trong đó có các ngành chế tạo và nông nghiệp.

Nạn nhân thường quá sợ hãi không dám tiếp xúc với nhà chức trách vì sợ bị trục xuất hoặc vì bị đe dọa sẽ có hại cho người thân trong gia đình.

Cô Fiona David, thuộc viện Tội phạm học Australia, cho biết tình trạng đang trở nên tệ hại hơn.

Cô Fiona cho biết: "Một gia đình có thể đưa một công nhân đến từ một nước khác đến để làm việc nhà tại Australia như một lao động nô lệ không được trả lương. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều trường hợp trong ngành xây dựng, tại đó công nhân được tuyển dụng qua các phương cách lừa bịp để đến Australia và làm việc trong những tình huống được coi như bị cưỡng bách lao động hay nô lệ."

Cảnh sát liên bang Úc đã tổ chức các diễn đàn tại Perth, Alice Springs và Darwin để giúp các đồng nghiệp của họ tại các tiểu bang và lãnh thổ xác định được cả các nạn nhân lẫn các thủ phạm. Cảnh sát cho biết các di dân làm việc quá nhiều giờ, nhưng ngần ngại không khai báo tình trạng di trú của họ, là những người không có hoặc có rất ít lựa chọn về nơi sinh sống hay làm việc và họ có thể bị rơi vào cảnh lao động cưỡng bức.

Các giới chức thừa nhận rằng việc chống lại tệ nạn này không dễ dàng và thủ phạm hiếm khi bị tòa án kết tội vì những người bị bóc lột thường quá sợ hãi nên không dám lên tiếng tố cáo.

Ông Chris McDevitt, chỉ huy trưởng cảnh sát liên bang Úc, cho biết những người dễ bị xâm hại này cần được bảo vệ nhiều hơn.

Ông McDevitt nói: "Họ có thể bị đánh đập hoặc lâm cảnh nợ nần vì phải trả một số tiền không hợp lý để được tuyển dụng hay được đưa đến Australia, và số tiền đó có thể tích lũy ngày càng nhiều nên họ phải chịu đựng sự ngược đãi của những kẻ buôn người. Những giấy tờ tùy thân của họ có thể bị thu giữ và tự do đi lại của họ bị hạn chế. Đó là những sự việc mà chúng ta thường thấy trong những tình huống giống như nô lệ."

Không có thông tin đáng tin cậy về con số những người bị đưa lậu vào Australia mỗi năm, nhưng có những ước tính khác nhau đã đưa ra con số khoảng 1.000. Tuy nhiều người là nạn nhân của các băng đảng tội phạm, giới hữu trách Australia cho biết cũng có một số người là nạn nhân của bạn bè hay thân nhân của họ.