Quyết định của Bắc Triều Tiên tạm ngưng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và các phi đạn đạn đạo tầm xa đang được hoan nghênh một cách thận trọng ở Châu Á, nơi nhiều cư dân vẫn chưa quên một quá trình những lời hứa đã không được tôn trọng.

Các giới chức Mỹ và Bắc Triều Tiên đã cùng lúc loan báo bước đột phá này hôm qua, và nói rằng Bình Nhưỡng cũng sẽ ngưng các hoạt động hạt nhân khác, kể cả việc tinh luyện uranium. Trong khi đó, Hoa Kỳ cho hay sẽ đẩy mạnh một kế hoạch nhằm cung cấp 240,000 tấn lương thực để hỗ trợ miền Bắc.

Lên tiếng tại Tokyo hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba nói rằng thỏa thuận này cũng quy định việc các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) sẽ trở lại Bắc Triều Tiên.

Ông Gemba nói: “Bắc Triều Tiên nói họ đồng ý để toán thanh sát của IAEA trở lại nước này. Họ cũng đã hứa sẽ tiến hành các biện pháp hướng tới việc phi hạt nhân hóa và đình chỉ việc phóng các phi đạn tầm ngắn. Đây là những thành quả đáng kể đang đạt được.”

Ngoại trưởng Nhật Bản mô tả những nhượng bộ mà Bắc Triều Tiên đề nghị là “đáng kể”. Nhưng ông thừa nhận còn phải làm nhiều hơn nữa trước khi các cuộc đàm phán 6 bên về các chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, bị trì trệ bấy lâu nay, có thể tái tục.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa kể và nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục cố gắng đóng một vai trò xây dựng trong việc mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực.

Nhưng nhiều người dân thường ở Nhật bản và Nam Triều Tiên nói họ hoài nghi, không tin rằng sẽ có bất cứ thay đổi nào. Một người Nhật 71 tuổi đã về hưu, ông Hisatoshi Yoshikawa nói ông không tin là thỏa thuận mới sẽ có hiệu quả hơn các thỏa thuận đã thất bại trước đây.

Ông Yoshikawa nói: “Rốt cuộc Bắc Triều Tiên luôn luôn làm lại như cũ, biết bao nhiêu lần rồi. Miền Bắc không biết làm thế nào để thay đổi cách hành xử của họ.”

Ông Yoshikawa nói người Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục lặp lại cách ứng xử cũ.

Các giới chức Mỹ hôm qua thừa nhận rằng họ coi thỏa thuận mới đạt được như chỉ là bước đầu trong một tiến trình lâu dài.

Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói: “Các thỏa thuận mà người Bắc Triều Tiên đã đồng ý rất đáng hoan nghênh, nhưng rõ ràng các thỏa thuận ấy cần được tiếp tục bằng hành động. Cam kết làm một việc gì đó là một chuyện, nhưng thực hiện các cam kết đó lại là chuyện khác. Thế cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này đúng với nguyên tắc đó.”

Thỏa thuận Mỹ-Bắc Triều Tiên đạt được sau các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh hồi tuần trước giữa các giới chức Mỹ và Bắc Triều Tiên, chỉ hai tháng sau cái chết của lãnh tụ tối cao Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói các phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ họp trong nay mai để hoàn tất những chi tiết của một kế hoạch giao viện trợ lương thực cho miền Bắc. Ngoại trưởng Clinton nói thỏa thuận này đòi hỏi sự “giám sát kỹ lưỡng” để bảo đảm lương thực viện trợ đến tay của thành phần cần được giúp đỡ nhất.

Ông Stephen Bosworth, cựu Đặc sứ về chính sách đối với Bắc Triều Tiên của chính quyền Obama, nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA rằng thỏa thuận mới đạt được có thể dẫn tới nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực khác.

Ông Bosworth nói: “Tôi hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được tôn trọng và dẫn tới một số bước kế tiếp, như các thanh sát viên IAEA quay trở lại cơ sở hạt nhân Yongbyon và Bắc Triều Tiên, và việc tái tục một đợt viện trợ mới...Kế đó là những nỗ lực tiếp theo để đạt một thỏa thuận nhằm tái khởi động cuộc đối thoại sâu rộng hơn giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, để cuối cùng dẫn tới việc nối lại tiến trình đàm phán 6 bên.”

Các chuyên gia Mỹ lưu ý rằng sau khi đồng ý đóng cửa một lò phản ứng hạt nhân dùng chất plutonium hồi năm 1994, Bình Nhưỡng vẫn xúc tiến một chương trình tinh luyện uranium bí mật, giúp họ có một cách khác để sản xuất nhiên liệu cho các vũ khí hạt nhân. Rất nhiều chuyên gia vẫn không tin rằng miền Bắc sẽ hoàn toàn từ bỏ các tham vọng vũ khí hạt nhân của họ.