TP HCM lên phương án sơ tán dân tránh bão
Cơn bão đầu tiên trong năm đang hướng thẳng vào đảo Phú Quý (Bình Thuận) với sức gió mạnh cấp 10. Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp đã lên phương án di dời dân khi bão đổ bộ.
Ngày 31/3, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Minh Trí đã có công văn khẩn yêu cầu UBND huyện Cần Giờ tổ chức ngay việc sơ tán, di dời dân ở xã đảo Thạnh An và các vùng nguy hiểm (khu vực ven biển, cửa sông, trên sở đáy, các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất). Quá trình sơ tán phải hoàn tất trước 15h ngày 31/3.
Theo đó, UBND huyện Cần Giờ đã lên phương án di dời hơn 3.700 hộ dân với hơn 15.000 người ở những vùng ven sông, biển và vùng thấp, trũng. Riêng đối với xã đảo Thạnh An, huyện đã rà soát và chuẩn bị lực lượng, 16 tàu thuyền, 11 tàu, ca nô của các cơ quan và 25 xe tải, xe khách các loại... Khi có lệnh của UBND TP sẽ thực hiện di dời ngay 3.000 dân trên đảo vào đất liền (xã Cần Thạnh).
Đường đi dự kiến của bão Pakhar. |
Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh cũng đã có phương án sơ tán, di dời ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo phòng chóng lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương, đến 31/3 đã thông báo được cho hơn 48.000 tàu thuyền biết vị trí và diễn biến của cơn bão. Hiện vẫn còn hơn 3.000 tàu thuyền với hơn 27.000 lao động đang hoạt động trong khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão. Bình Định là địa phương có số tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm nhiều nhất với hơn 2.000 tàu và 14.000 lao động.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đến 13h trưa 31/3, tâm bão còn cách đảo Phú Quý 110 km. Sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9-10, chiều và đêm nay bão chủ yếu di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5-10 km và đến chiều 1/4 tâm bão còn cách bờ biển Bình Thuận – Bến Tre khoảng 140 km, gió giảm còn cấp 7-8.
Bão Pakhar là cơn bão đầu tiên trong năm xuất hiện trên biển Đông. Cơ quan khí tượng cho biết việc xuất hiện bão và có nguy cơ đổ bộ vào đất liền tháng 3 là bất thường. Trong 30 năm qua chỉ có một cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng thời gian này. Dự báo năm 2012 sẽ có 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn trung bình nhiều năm.
Năm 2011 biển Đông đón 4 cơn bão.
Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Long An, do ảnh hưởng cơn bão số 1, khoảng 3h sáng ngày 31/3, một cơn gió xoáy đổ vào hai huyện tiếp giáp ven biển là Cần Đước và Cần Giuộc (tỉnh Long An) làm hơn 70 căn nhà tốc mái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thiệt hại nặng nhất là xã Long Thượng, Phước Lý (huyện Cần Giuộc) có 50 căn bị tốc mái. Huyện cũng đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để mua cây, lá lợp lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, bà con ở hai huyện này cũng được khuyến cáo dùng cây, dây kẽm chằng, chống gió xoáy cho hơn 2.000 căn nhà để phòng chống cơn bão. Hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước cũng đã kêu gọi gần 800 phương tiện đánh bắt ven biển vào các sông rạch trú ẩn đề phòng gió xoáy trong bão. |
Hữu Nguyên
No comments:
Post a Comment