Trung Quốc chuẩn bị khai thác dầu ở Biển Đông, nơi một vụ đối đầu với Philippines vì vấn đề chủ quyền biển, đảo đang diễn ra sang tới tuần lễ thứ 5.

Bản tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Bắc Kinh hôm thứ Ba cho biết giàn khoan của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày thứ tư trong khu vực cách Hồng Kông 320 kilo mét về hướng đông nam và sẽ khoan với độ sâu 1.500 mét.

Khu vực hoạt động của giàn khoan lớn nhất của Trung Quốc có tên “Dầu khí Hải dương 981” dường như là nơi không có tranh chấp, nhưng về hướng đông nam của địa điểm này, các chiếc tàu của Trung Quốc và Philippines đang tiếp tục đối đầu với nhau vì vụ tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough.

Vụ đối đầu bùng ra ngày 10 tháng tư, khi hải quân Philippines định bắt giữ các tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển cách Philippines 230 kilo mét về hướng tây bắc, nhưng bị các tàu “hải giám” của Trung Quốc ngăn chặn.

Hôm nay Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã triệu nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines ở Bắc Kinh đến để than phiền lần thứ ba trong vài tuần nay về vụ đối đầu này.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Anh nói với Tham tán Alex Chua của Philippines rằng Manila đang làm cho căng thẳng leo thang và gây khó khăn thêm cho việc tìm kiếm một giải pháp thông qua thương lượng. Bản tin trên đài truyền hình Trung Quốc trích lời bà Phó Anh nói rằng “Trung Quốc hy vọng Philippines sẽ không phán đoán tình hình một cách sai lạc và không gia tăng căng thẳng mà không xét tới những hậu quả.”

Năm 2009 Trung Quốc nộp cho Liên hiệp quốc một bản đồ để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, nhưng chưa xác minh nội dung chính xác của đòi hỏi của họ đối với khoảng 200 hòn đào, đảo san hô và bãi đá ngầm trong vùng biển có nhiều tài nguyên thiên nhiên này.

Hiện có 5 nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia, và Việt Nam.

Khi loan tin về tàu khoan dầu “981” của Trung Quốc, báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam ngày hôm nay nói rằng “Trung Quốc bắt đầu kế hoạch thâu tóm Biển Đông.” Nhưng họ cũng cho rằng kế hoạch này đang gặp trở ngại lớn vì nhiều nước trong khu vực “muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông” và “nhiều nước lớn muốn can thiệp vào các cuộc tranh chấp này.”