Ước mơ chế tạo máy bay của người Việt
Nông dân chế đến 2 máy bay, anh kỹ sư thương binh làm phương tiện bay, một kỹ sư trẻ 10 năm tạo trực thăng mini... Dù chưa ai thành công nhưng nhiều người Việt Nam đang ấp ủ và quyết tâm hiện thực hóa ước mơ bay.
Câu chuyện người Việt Nam chế tạo máy bay lại "nóng " lên khi
cuối tháng 3, kỹ sư thương binh Nguyễn Bùi Hiển (58 tuổi, Bình Dương) chế tạo
một chiếc trực thăng và mời cả cơ quan không quân, chuyên gia hàng không thẩm
định sản phẩm của mình.
Tuy "đứa con" tinh thần của ông Hiển chỉ được đánh giá là phương
tiện bay và có nhiều thiếu sót về kỹ thuật nhưng ông vẫn bày tỏ quyết tâm theo
đuổi đến cùng ước mơ bay của mình.
Niềm đam mê chế tạo một sản phẩm bay lên được này xuất phát từ
thú chơi máy bay mô hình của ông thương binh đồng thời là kỹ sư ngành cơ khí.
Suốt 3 năm ròng rã học hỏi trên Internet, các diễn đàn rồi mày mò và ông quyết
định biến garage của mình trở thành xưởng để chế tạo máy bay.
Sau đó, máy bay trực thăng tự chế siêu nhẹ ra đời, ngoài động cơ
60 triệu đồng, hầu hết vật tư, nguyên liệu khác đều được tận dụng từ những phụ
tùng cũ kỹ có mặt trong garage.
Máy bay tự chế của ông Hiển. Ảnh: Tuệ Mẫn - Minh Hiền. |
"Với tôi 'nó' không phải là phương tiện bay mà là máy bay. Những
ngày qua lang thang trên mạng tôi tiếp tục tìm tòi và chế tạo hệ thống lái tự
động. Gọi là hệ thống lái tự động nhưng thực chất đây chỉ là hệ thống trợ lái
nhằm giúp tôi có thể tăng cường sự kiểm soát cho máy bay của mình...", ông
Nguyễn Bùi Hiển tiết lộ cùng VnExpress.net.
"Tôi sẽ lại bay", ông Hiển quả quyết. Câu nói này cũng được anh Phạm Xuân Quốc ở TP HCM thốt ra khi được
hỏi về chiếc trực thăng mini mà anh mất
hơn 10 năm sáng chế.
"Đứa con tinh thần" của anh hiện vẫn nằm im và anh định đem vào
vườn nhà mình ở quận 9 bay thử, đồng thời nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ, đánh
giá. Chiếc trực thăng nhỏ chỉ có một khung sườn, động cơ xăng đặt phía sau ghế
lái. Trực thăng có 2 tầng cánh quạt, mỗi tầng 2 cánh quay trên một trục, phía
trước có ghế ngồi, ở dưới là hệ thống chân đỡ, phía sau có bánh lái.
"Trực thăng" mini của anh Quốc. Ảnh: Phạm Xuân Quốc |
Theo anh Quốc, đây là loại trực thăng mini bay theo kiểu thể
thao, một người ngồi điều khiển, thân máy bay làm bằng inox, một số bộ phận bằng
hợp kim nhôm. Xăng có thể dùng được là A92.
Quan sát từ một máy trộn thức ăn gia súc, anh Quốc quyết định
làm chiếc trực thăng thể thao. Bắt đầu từ năm 2001, sau khoảng 10 năm, đến tháng
9/2010, sản phẩm ra đời. Thời điểm đó, chàng kỹ sư trẻ đã nhờ báo chí chuyển một
lá thư đến Chủ tịch nước, đề nghị được tạo điều kiện để bay thử.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ từ bỏ ước mơ bay, chiếc trực thăng giờ
đã hoàn thiện và tôi sẵn sàng ngồi vào đó để bay thử", anh Quốc chia sẻ.
"Ước mơ bay" không chỉ đến với những
kỹ sư người Việt mà ngay cả anh nông dân cũng ấp ủ. Anh "Hai lúa" Trần Quốc Hải
năm nay 46 tuổi, sống ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, chế tạo máy
bay từ năm 1999.
Từ nhỏ, Hải đã mê máy bay đến nỗi thường xuyên lẻn vào sân bay
gần nhà để chơi và được ngắm những "con chim sắt" cất hạ cánh. Tốt ngiệp Đại học
Thể dục Thể thao, đi dạy học nhưng sau đó vì đam mê bay, anh từ bỏ giảng đường.
Xưởng chế tạo sản phẩm bay cũng được hình thành từ đó.
Mất gần 7 năm, chiếc trực thăng của anh Hải và người bạn Lê Văn
Danh cũng được trình làng vào năm 2004. Máy bay cất cánh lên khỏi mặt đất 2 m,
được 13 ngày thì không được phép bay.
Không nản chí, đến cuối năm 2006, anh Hải tiếp tục cho ra đời
chiếc thứ hai "ngon" hơn. Chiếc trực thăng này nặng 680 kg, dài 11 m, rộng 2,3
m, cao 3,5 m. Động cơ mới này có mức tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc
đạt 150 km/giờ.
Đến năm 2007, cơ quan chức năng đưa ra kết luận "máy bay" của
"Hai Lúa" không đủ điều kiện kỹ thuật, không đảm bảo an toàn bay. Từ đó, những
sản phẩm bay này của anh Hải cũng không được nhắc đến.
Tuy nhiên, không vì thế mà niềm đam mê, hoài bão về việc chế tạo
máy bay của người Việt bị "chìm vào quên lãng". Trao đổi với
VnExpress.net, kỹ sư Quốc cho rằng, lâu nay mọi người đều tự chế tạo
theo từng cá nhân riêng lẻ, nếu kết hợp với nhau thành một câu lạc bộ hay một
hội để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau thì biết đâu sẽ có một máy bay "made
in Việt Nam" bay được trong tương lai.
Nhóm phóng viên
No comments:
Post a Comment