'Thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất 5,5 độ richter'
Ban quản lý dự án Thủy điện 3 cho biết, rung chấn mấy ngày qua
không ảnh hưởng đến an toàn của thủy điện Sông Tranh 2. Trong hơn một năm, khu
vực này xảy ra 52 trận động đất, cao nhất là 4,2 độ richter.
Sáng 4/9, tại cuộc họp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đại
diện Ban quản lý dự án Thủy điện 3 cho biết, rung chấn mấy ngày qua không ảnh
hưởng đến an toàn của thủy điện Sông Tranh 2. Số liệu rung chấn đo được mức cao
nhất là 4 độ richter, trong khi thiết kế của thủy điện chịu được đến 5,5 độ
richter. Còn đại diện tư vấn độc lập kết luận, đập thủy điện đã được xử lý đạt
yêu cầu thiết kế, đảm bảo an toàn tích nước.
Tuy nhiên, để có kết quả đánh giá chính xác, Bộ trưởng Xây dựng,
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng Trịnh Đình Dũng đã
yêu cầu các chuyên gia phản biện độc lập đánh giá chất lượng đập thủy điện sau
khi xử lý sự cố. Ông cũng yêu cầu Hội đồng nghiệm thu nhà nước cử chuyên gia đến
hiện trường, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của rung chấn tới đập thủy điện
lớn nhất miền Trung này.
|
Phía thượng lưu đập chính thủy điện Sông Tranh 2, nơi xảy ra
những trận dư chấn động đất vừa qua. Ảnh: Trí
Tín. |
Chiều cùng ngày, trao đổi với VnExpress.net, GS Cao
Đình Triều, Viện vật lý Địa cầu cho biết, sau hơn một năm theo dõi, nghiên cứu,
các trạm quan trắc, máy đo gia tốc đã ghi nhận tổng cộng 52 trận động đất lớn
nhỏ xảy ra ở công trình thủy điện Sông Tranh 2. Trong đó có hai trận động đất
cường độ mạnh 3,4 độ richter (ngày 27/11/2011) và 4,2 độ richter (ngày
3/9/2012).
Trận động đất 4,2 độ richter với độ chấn tiêu sâu 7,3 km xảy ra
đêm 3/9 ở ngay bên phải đập chính của hồ chứa thủy điện ở xã Trà Đốc, huyện Bắc
Trà My.
Theo GS Triều, các máy đo gia tốc lắp đặt ở khu vực thủy điện
cũng ghi nhận ít nhất 3 trận động đất gây rung động trực tiếp đến mặt đập, trong
đó có một trận dao động với cường độ 7 thang MSK-64 (có 12 cấp cường độ). Thời
gian tới, những trận động đất kích thích sẽ còn tiếp tục xảy ra ở công trình
thủy điện này nếu mực nước ở khu vực hồ chứa bị thay đổi đột ngột với dung tích
lớn.
"Động đất ở khu vực Sông Tranh 2 là loại động đất kích thích
phản ứng nhanh ở độ sâu chấn tiêu nông (dưới 10 km). Khu vực này có thể xảy ra
động đất mạnh nhất đạt xấp xỉ 5,5 đến 6,1 độ richter. Nếu trận động đất mạnh xảy
ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn tác động trực tiếp vào thân
đập rất nguy hiểm. Động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể gây biến đổi
môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai
biến địa chất khác như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét", chuyên gia này nhận
định.
Các Bộ, ngành trung ương, địa phương cùng các chuyên gia Viện
Vật lý Địa cầu nhiều lần kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư công
trình lắp đặt hệ thống mạng trạm quan trắc động đất ở huyện Bắc Trà My để kịp
thời thông báo giúp người dân chủ động ứng phó, phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên,
hiện đề nghị này vẫn chưa được thực hiện.
Hồi tháng 6, sau khi có báo cáo của Viện Khoa học và
Công nghệ Việt Nam về kết quả khảo sát tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng
Nam), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải tổ chức đánh giá
an toàn đập sau khi EVN xử lý xong việc thấm nước qua đập và tác động của động
đất kích thích tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Trường hợp cần thiết, cho
phép thuê tư vấn trong và ngoài nước có đủ năng lực và kinh nghiệm hỗ trợ việc
phân tích, đánh giá an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2; đồng thời nghiệm thu,
cho phép đưa công trình vào hoạt động theo thông số thiết kế ở mức nước dâng
bình thường sau khi có kết luận đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm an toàn.
Phó thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp
với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều
kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My, tỉnh
Quảng Nam. EVN kiểm tra, đưa toàn bộ thiết bị quan trắc vào làm việc, tổ chức
quan trắc, cập nhật kịp thời các thông số theo thiết kế được duyệt; nghiên cứu,
ứng dụng thêm một số phương pháp địa vật lý để xác định các khuyết tật có thể có
trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Viện Khoa học và Công nghệ khẩn trương
hoàn thành xây dựng hệ thống các trạm quan trắc địa chấn nhằm tăng cường mạng
lưới quan sát động đất, phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trong
toàn quốc.
Trí Tín - Đoàn Loan
No comments:
Post a Comment