Chồng động kinh dắt vợ mù đi mò ốc
Nhiều hôm đang mò ốc, nghe tiếng tay buông thõng xuống nước, bà
Nguyễn Thị Suốt vội lần mò về chỗ nào sủi bọt để tìm chồng. Gần 30 năm qua, đôi
vợ chồng già bệnh tật sống nhờ vào những con ốc.
Mùa đông, dòng nước lạnh ngắt, vợ chồng bà Suốt ở thị trấn Đồng
Văn (Duy Tiên, Hà Nam) vẫn dầm mình dưới nước mò ốc. Một tay giữ thau, tay kia
mò mẫm, khuôn mặt người chồng lo âu nhìn vợ. Người phụ nữ đứng cạnh ông có đôi
mắt mờ đục cùng bám vào chậu để chắc chắn chồng còn ở đó.
Khi chiếc thau đã đầy ốc, ông bà mới nghỉ tay. Bà Suốt khoe mới
mò 2 tiếng đã được cả chậu ốc đầy. Sợ vợ lạnh, hai thân già dắt díu nhau về nhà.
Chồng bà, ông Nguyễn Kiệm, 58 tuổi, lập cập vừa dắt vợ vừa cắp thau ốc.
Rời quân ngũ, ông Kiệm trở về quê với di chứng chiến tranh là
bệnh động kinh. Không ai muốn lấy hay thuê ông làm việc. Còn bà Suốt (kém ông 6
tuổi) ngay khi sinh ra đã bị mù do chất độc da cam di truyền từ bố mẹ. Bà tưởng
ở vậy hết đời vì chẳng ai dám hỏi người con gái mù làm vợ.
|
Hàng ngày, ông Kiệm và vợ dầm mình dưới nước mò ốc. Ảnh:
Tiểu Nguyễn. |
"Thôi thì nồi méo úp vung méo. Đã là vợ chồng thì phải ăn ở trọn
tình trọn nghĩa với nhau, đến chết mới thôi", bà Suốt cười hiền từ khi nói về
duyên phận của ông bà. Vậy là từ ngày đó đến nay, họ dắt nhau đi hết cánh đồng
này bờ bãi nọ kiếm con ốc, con trai bán nuôi thân cùng ba đứa con.
Mùa hè cũng như mùa đông, trừ những ngày mưa gió quá to, ông bà
đều đưa nhau đi bắt ốc. "Không làm việc hôm nào thì hôm đó nhịn đói", bà Suốt
thở dài.
Do sức khỏe ông Kiệm không ổn định nên công việc bắt ốc phần lớn
do bà Suốt làm. Bà kể, có hôm nghe tiếng tay chồng buông thõng xuống nước, biết
bị ngã sặc nước, bà hốt hoảng tìm ông. Nghe tiếng sủi bọt nước ở chỗ nào, bà lần
mò về chỗ ấy. Vực chồng lên bờ, bà chỉ biết nghẹn ngào, chua xót cho số
phận.
Có ngày trời quá lạnh, ông không thể xuống nước đành ngồi trên
bờ chỉ dẫn cho vợ. Ngâm nước nhiều giờ tay bà bị tê, mất cảm giác, ông lại lụi
cụi xin nắm rơm và lửa ở nhà dân quanh đó ra đốt cho vợ đỡ lạnh. Nhiều hôm gặp
hàng xóm hỏi thăm, nhưng họ không trả lời được vì quá rét, hai hàm cứng đơ. Ai
không biết lại tưởng họ khinh người.
Mò ốc đến tối, ông Kiệm đem đi bán. Trung bình mỗi ngày ông bà
mò được 4 kg ốc, bán 8.000 đồng/kg. Nhiều hôm không bán được ở chợ, ông phải dắt
xe đi bán rong. Những hôm để chồng một mình đi bán, bà Suốt ở nhà nơm nớp lo
chồng đổ bệnh bất chợt.
|
Vợ chồng ông Kiệm bên ngôi nhà được hợp tác xã xây giúp. Ảnh:
Tiểu Nguyễn. |
Bà Suốt tâm sự, nhiều hôm chỉ bắt được vài con ốc, ông bà đành
mua sắn chịu để ăn và phần lại bát cơm trắng cho các con. Những ngày chẳng có
sắn, ông bà an ủi nhau ăn rau cúc tần luộc cho đỡ đói. Thương hoàn cảnh vợ chồng
nghèo, hàng xóm thỉnh thoảng cho họ quần áo, đồ ăn.
Ngày còn nhỏ, mấy đứa con của ông bà hay thắc mắc vì sao con chỉ
có mấy quyển sách phải viết chung lẫn lộn trong khi bạn bè mỗi môn đều có vở
viết riêng. Mỗi lần nghe con hỏi như vậy, bà Suốt lại thấy đắng lòng. 3 đứa con
trai của ông bà cũng đi bắt ốc mò cua và bán hàng giúp bố mẹ.
Giờ hai anh lớn có gia đình riêng và ở bên nhà vợ nơi đất khách
nên không đỡ đần được gì cho bố mẹ. Con út muốn thoát ly nhưng không được ăn học
đến nơi nên thất nghiệp. "Chúng nó còn vợ, còn con phải lo, nuôi sao được bố mẹ.
Thành ra gần 60 tuổi đầu vợ chồng tôi vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho
trời", giọng bà Suốt chua chát.
Hoàn cảnh khó khăn nên ông bà không thể tự lợp được nhà để ở.
Suốt nhiều thập kỷ qua, vợ chồng bà Suốt ở trong căn nhà hết lợp giấy dầu, lá
dong đến lá chuối. Mới đây hợp tác xã chung tay dựng giúp ông bà Kiệm căn nhà
ngói.
Bà Đỗ Thị Thêm, Đội trưởng đội 2, thôn Đồng Văn cho biết, gia
cảnh của vợ chồng ông Kiệm rất khó khăn. Cả hai đều yếu, muốn đi làm thuê cũng
chẳng ai thuê. "Số tiền trợ cấp ít ỏi hàng không thể trang trải đủ cho 3 miệng
ăn nên ông bà Kiệm đành phải đi mò cua bắt ốc", bà Thêm cho biết.
Tiểu Nguyễn
No comments:
Post a Comment