Thân trai ...mười hai bến nước
Trong nhờ ....đục lóng phèn
:
“Thư gởi má vợ
Thưa má, trước hết con xin ngỏ lời cám ơn má vì đã sinh ra và dày công nuôi nấng đằng đẵng hai mươi mấy năm trời con gái của má, để rồi sau đó ưng thuận gả cho chàng rể hiền lành là con đây.
Nhớ ngày bước chân lên xe hoa, vợ con khóc rấm rứt khiến phấn son nhòe nhoẹt. Y chang với câu thành ngữ “Khóc như thiếu nữ ngày vu quy”, khiến nhiều người đưa dâu cũng mủi lòng “rưng rưng ngấn lệ” ăn theo. Thời gian đầu, sau khi mới về nhà chồng, vợ con ra vẻ “mèo nhỏ” nhu mì, ngây thơ tựa như “con nai vàng ngơ ngác”. Nhưng má ơi! niềm vui và hạnh phúc ấy chưa tày gang, thì “bão” đã ập tới, để rồi cái vụ rơi lệ sau đám cưới đã chuyển hệ sang cho con.
Má đâu có biết rằng, “con mèo nhỏ” giờ đây đã đột biến gien hóa thành “gấu mẹ vĩ đại”. “Con nai vàng ngơ ngác” ngày nào đã không còn nữa, mà hiện hình thành “sư tử Hà Đông” cực kỳ đáng sợ. Lúc nhỏ, má đẻ của con dạy: “Phải luôn thành thật với mọi người”, con đã tuân giữ điều ấy cho đến khi lớn khôn. Nhưng má vợ ôi, sau khi cưới vợ rồi, con không thể thực hành lời dạy ấy được, vì vợ con không bao giờ biết chấp nhận “sự thật mất lòng”.
Lần gần đây nhất, vợ con hỏi ý kiến về bộ đồ mới mua về. Con dại mồm dại miệng nhận xét: “Trông không hợp với dáng em, màu sắc cũng quá lòe loẹt”. Ngay lập tức nhận được “ánh mắt mang hình viên đạn” cùng lời đáp trả: “Đúng là người không có óc thẩm mỹ!”. Những khi muốn mua bất cứ món đồ gì, con cũng chỉ dám nói một nửa giá mà thôi, nếu không muốn bị chê “khôn nhà dại chợ”. Do vậy, để “thần khẩu không hại xác phàm”, con phải thường xuyên nói dối.
Tiếng là chủ hộ, nhưng thực tế trớ trêu là toàn quyền quyết định lại nằm trong tay vợ con má ạ! Tiền lương mang về không được thiếu 1 xu. Đi đâu ngoài giờ làm phải báo cáo nơi đến và giờ về. Đi nhậu thì “cấm không được say”; điện thoại lúc nào cũng phải mở, để... nhận chỉ đạo từ xa.
Nhà thơ họ Đỗ đã khẳng định: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi...”, hình như ông ấy hơi bị lầm rồi, vì hiện tại con có tới 3 bà má lận! 1 là má đẻ, 2 là má vợ và 3 là... “vợ má”. Với má và má đẻ của con thì con có sai sót cũng không bị chấp trách. Nhưng với bà “vợ má” chỉ cần trái ý, lỡ lời là xem như “xong phim”, không bị bầm giập mới là chuyện lạ.
Túm lại, con viết thư này nhằm mục đích kêu gọi sự giúp đỡ, ý kiến tư vấn từ nơi má. Má có cách nào để hạn chế bớt sự “tăng trưởng” quá nhanh của vợ con không? Có giải pháp gì để “hoàn nguyên” cô vợ nhu mì như thuở mới về nhà chồng không? Rất mong má kịp thời đưa ra giải pháp, nếu không, rể của má khó sống sót qua hết con trăng này...
Thư hồi âm cho con rể
Con à,
Trước hết má cũng xin ngỏ lời cám ơn con đã chịu khó viết thư vấn kế má về vấn đề con vợ của con tức con gái của má. Con hỏi bao nhiêu thì má đây trả lời bấy nhiêu. Trước khi trả lời chi tiết những vấn đề con đưa ra, má xin đưa ra một sự kiện tổng quát, thời đại bây giờ là thế kỷ thứ 21, dù ở phương đông hay tây, những chuyện của thế kỷ 19, 20 đã Xưa Như Diễm rồi con ạ.
Nếu con nhớ được điểm quan trọng này thì con sẽ thấy những câu trả lời của má chí lý để rồi con vui vẻ chấp nhân cuộc sống an phận thủ kỷ của một đấng nam nhi với con vợ của con.
Thôi má trả lời từng điểm một cho con nhé.
Cùng là “khóc như thiếu nữ ngày vu quy” nhưng thời nay khác hẳn thời xưa con ạ. Tuy cùng nhạt nhòa phấn son , nhưng ý nghĩa trái ngược hẳn nhau. Ngày xưa người con gái đau lòng nhỏ lệ ….vì xa cha mẹ, không còn sớm chiều hầu hạ cha mẹ mình. Còn thời nay má biết vợ con rơi lệ …vì phập phồng lo sợ chuyện tương lai với con…. Phận gái mười hai bên nước con có phải là người chồng tốt chăm lo cho nó như má đã suốt hai mươi mấy năm đằng đẵng lo cho nó hay không…?
Nếu con vẫn chiều chuộng nó, nghe lời nó… như thời gian con theo đuổi xin cầm bàn tay nó cùng con đi vào cuộc đời đầy rẫy chông gai thì đương nhiên nó vẫn ngây thơ tựa như con nai vàng ngơ ngác, làm gì có chuyện bão táp ập tới hả con ?
Chính con đây mới là người thay đổi, sống thật con người của con, thì vụ rơi lệ chuyển hệ sang con, con mèo nhỏ đổi Gene thành gấu mẹ vĩ đại , con nai vàng thành sư tử Hà đông là chuyện phải đến thôi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân nhe con.
Má đẻ con dậy phải luôn thành thật với mọi người , theo má nghĩ con đã làm sai lời má con dậy, thần khẩu hại xác phàm, từ lúc con theo tán tỉnh nó chứ không phải sau khi con cưới nó về con mới thành chuyên viên nói dối hơn cuội, như con than đâu.
Con nhớ lại xem….
Thời kỳ lãng mạn chưa cưới, có bao giờ con nhớ lời mẹ con dậy, thật thà đưa nhận xét về mầu sắc quần áo vóc dáng của nó không ? Hay là con say đắm nhìn nó, nói cứ như thật, khen tưới hột sen … để rồi chính con ruột gan phèo phổi gì cũng lâng lâng sung sướng khi được nó nhìn con với ánh mắt lung linh không hằn dấu vết một viên đạn nào, và khen con là người có óc thẩm mỹ….hợp Gout với nó ?
Nếu con chịu khó tìm hiểu giá cả những món đồ con muốn mua thì sẽ không bị mua hớ thì đâu phải nói dối. Hay là con mê mẩn nhan sắc của các cô bán hàng nên ra tay hào phóng, chi tiền rộng rãi, tình nguyện bị cắt cổ …? Nó không chê con là khôn nhà dại chợ mới là chuyện lạ.
Nó là vợ con nên mới lo lắng tiền bạc cho con, giữ kỹ tiền hộ con…đó là trách nhiệm của người vợ, phải giúp con.. Con gửi người khác khi con cần đến liệu có lấy lại được dễ dàng như con xin lại tiền từ vợ con không ? Với vợ thì đương nhiên cũng dễ hơn một chút đó con ạ. Con không có tiền nhiều trong túi thì không bị sa chân lỡ bước với đàn bà con gái. Đi chơi với bạn không phải móc túi ra trả mà lòng vẫn bình an cho người dưới thế. Má bảo đảm nếu con cứ để vợ con quản lý chặt chẽ tiền bạc của con như vậy thì khi về già con có gia tài để lại tốt hơn là lâu lâu được đưa tay ra nhận tiền báo hiếu của con cái.
Chuyện báo cáo với vợ đi đâu, mấy giờ về, điện thoại lúc nào cũng phải mở để lãnh chỉ thị thực hành công tác… là chuyện lịch sự với vợ . Người chồng yêu vợ, ga lăng nào chẳng làm vậy sao con lại cảm thấy bị gò bó ?. Con có muốn vợ con tự tung tự tác đi đâu cũng không nói cho con biết không ? Cuộc đời vốn đã không Fair, thì chuyện con bị vợ bầm giập vì lỡ lời là chuyện nhỏ thôi con, đừng quan trọng hóa vấn đề mà tổn hại thần kinh chết sớm.
Má đồng ý với nhà thơ họ Đỗ “Mỗi người chỉ một mẹ “, con gọi má đẻ con và má là má thật đấy, đấy chỉ là danh xưng thôi. Trong cuộc sống hàng ngày trong bao nhiêu năm trời, trước khi hai con đóng dấu ấn chung thân, trên thực tế các con mới thực là cha là mẹ của hai bà má này. Một chứng cớ rõ ràng nhất là cuộc hôn nhân của tụi con, các con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Vậy là đời con trước sau thuận theo tự nhiên, chỉ có một bà mẹ thôi, đó là “Vợ Má “. Quê hương là chùm khế ngọt, Vợ Má cũng là chùm khế chỉ khác là còn xanh nên chua thôi .
Tóm lại lời con khẩn cầu xin má giúp con hạn chế bớt sự tăng trưởng quá nhanh của vợ con, trả lại con cô vợ nhu mì như thời gian mới cưới , má đã thao thức bao đêm trường mới nghĩ ra được một cách . Đó là con phải hoàn nguyên lại một anh chàng thanh niên yêu si khờ, lời giả dối lúc nào cũng sẵn trên môi, nàng bảo chàng nghe….em là nhất trên đời với anh….con sẽ có một gia đình trong ấm ngoài êm..
Còn nếu con cứ nhất định sống thật thà phô “Cái Tôi “ của con với vợ con thì má cũng chịu thua, chỉ biết cầu nguyện cho con , trông vào phước đức bao nhiêu đời của con để con được sống sót dài dài, thêm nhiều con trăng nữa.”
Trần Cẩm Tú,
No comments:
Post a Comment