Khối G-20 họp để đối phó với tình hình kinh tế thế giới
Cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực đồng euro theo dự kiến sẽ được đặt ưu tiên hàng đầu trên nghị trình của các bộ trưởng tài chính và giới điều hành các ngân hàng trung ương thuộc nhóm G-20 đang họp tại Paris vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Họ sẽ tìm những phương cách để hồi phục nền kinh tế trì trệ của thế giới. Và họ sẽ hối thúc Trung Quốc tăng giá đồng nguyên nhanh hơn.
Giới lãnh đạo châu Âu đang bị áp lực phải đưa ra được những biện pháp để nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nần trầm trọng đang đe dọa đến sự ổn định của một số ngân hàng và có nguy cơ làm cho sự hồi phục của toàn cầu chậm thêm nữa.
Vào thứ Tư, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã phác họa kế hạch 5 điểm để đối phó với những vấn đề khó khăn. Ông nói: "Chúng ta đang thực sự nói chuyện nghiêm chỉnh khi đề cập đến nhu cầu cần phải có kỷ luật hơn, phải hợp nhất hơn cho nhiều nước châu Âu hơn, theo tôi đấy là mục tiêu của chúng ta."
Lãnh dạo của hai quốc gia đầu tầu của châu Âu là Pháp và Đức, đã nói lên quyết tâm đưa ra một giải pháp dài hạn, bền vững cho cuộc khủng hoảng trước khi một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khối G-20 được tổ chức vào thượng tuần tháng tới.
Nhưng cho tới nay, nhiều chuyên gia đã chỉ trích gíới lãnh đạo châu Âu đã chậm chạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế khởi đầu từ Hy Lạp và đã lan sang các nền kinh tế chao đảo khác.
Ngay cả quĩ cứu nguy mở rộng cũng được coi là một giải pháp tạm thời. Theo phân tích gia Philippe Moreau Defarges của viện Nghiên Cứu Bang Giao Quốc Tế Pháp, không những châu Âu phải ngăn chặn nợ mà còn phải tìm cách thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ông nói: "Chúng ta có thể gặp thảm họa. Châu Âu có thể rơi vào thảm họa. Rõ ràng là sẽ có những cuộc thương thuyết để tăng cường quĩ cứu nguy châu Âu. Rõ ràng là ngân quĩ hiện nay của châu Âu sẽ không đủ. Họ sẽ cần thêm tiền, và có thể phải phát hành một loại công trái euro."
Ông Moreau Defarges tin là theo thời gian một số quốc gia châu Âu sẽ không thể trả được nợ. Không chỉ Hy Lạp mà cả nước Ý, quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ ba của châu Âu, và có thể ngay cả nước Pháp.
Tuần lễ này kết thúc với thêm những tin buồn cho châu Âu vì công ty đánh giá tín nhiệm tài chính Standard & Poors hạ điểm tín dụng dài hạn của Tây Ban Nha, và những học viện kinh tế hàng đầu của châu Âu tiên đoán một trì chậm lớn trong mức tăng trưởng của Đức, quốc gia với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
No comments:
Post a Comment