Các giới chức cao cấp trong lực lượng do NATO lãnh đạo tại Afghanistan nói rằng Pakistan cần phải hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế các phần tử hiếu chiến đặt căn cứ trên lãnh thổ của họ nhưng lại hoạt động ở Afghanistan.

Thiếu tướng Carsten Jacobsen, phát ngôn viên của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế, cho biết:

"Pakistan đã hành động rất nhiều trong công tác chống bọn khủng bố và quân nổi dậy và trả một cái giá đáng kể về xương máu trong những năm qua. Nhưng rõ ràng là họ chưa hành động đủ."

Tướng Jacobsen cho biết Pakistan cần phải phối hợp với NATO bằng cách không để cho các phần tử chủ chiến có thể tập kết lại trên lãnh thổ Pakistan.

Tướng Jacobsen nói: "Cho dù là mạng lưới Haqqani hay Taliban tìm một nơi ẩn trốn an toàn và các cơ sở huấn luyện tại Pakistan, tất cả chúng ta, Afghanistan, Pakistan và cộng đồng quốc tế, phải chống lại họ."

Tháng rồi, ngay trước khi nghỉ hưu, Chủ tịch ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ là Đô đốc Mike Mullen- vị tư lệnh cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ, gọi mạng lưới Haqqani là 'cánh tay thực sự' của cơ quan tình báo liên quân ISI của Pakistan.

Nhận định của Đô đốc Mullen khơi dậy tinh thần chống Mỹ tại Pakistan, đưa tới những phản ứng gay gắt của tất cả các đảng phái trong một hội nghị do Tổng thống Pakistan triệu tập. Cáo buộc của ông Mullen cũng làm tăng thêm thái độ nghi ngại của các nhà lập pháp Mỹ về tương lai của kế hoạch viện trợ cho Pakistan.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ giờ đây dường như đang áp dụng một lập trường mềm mỏng hơn về công cuộc hợp tác chống khủng bố giữa hai nước.

Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Pakistan và Afghanistan, ông Marc Grossman, theo dự kiến sẽ đến Islamabad cuối tuần này. Trả lời một cuộc phỏng vấn tại Kabul hôm thứ bảy, ông Grossman nhấn mạnh rằng đã có 19.000 thường dân Pakistan bị tử vong kể từ năm 2003.

Ông Grossman cho biết cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Pakistan giờ đây tập trung vào việc xác định các lợi ích chung và cùng nhau hành động để đạt được những lợi ích đó.

Mặc dù vậy, Đặc sứ Grossman cũng cho biết Washington sẽ tiếp tục yêu cầu Pakistan chấm dứt việc cho phép bọn khủng bố thiết lập nơi ẩn trốn an toàn giúp cho các phần tử chủ chiến thực hiện các cuộc tấn công du kích tại Afghanistan rồi rút qua Pakistan.

Theo kế hoạch, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ rút phần lớn trong số hơn 130.000  binh sĩ tác chiến tại Afghanistan vào năm 2014, tạo ra áp lực cho các nước đối tác trong khu vực phải tìm ra một khuôn khổ ổn định trước thời gian đó. Washington nhiều lần thừa nhận sự trợ giúp của Pakistan rất quan trọng cho việc thiết lập nền hòa bình lâu dài ở Afghanistan.