Mỹ, Nam Triều Tiên tăng cường phòng thủ chống lại Bắc Triều Tiên
Hai vị đứng đầu ngành quốc phòng đã loan báo một cam kết chung là “thúc đẩy các khả năng sẵn sàng chiến đấu” trong vùng biên giới trên biển căng thẳng và đang gây tranh chấp ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và khu vực quanh đó.
Ông Panetta cam kết Hoa Kỳ sẽ duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự trên bán đảo và trong khu vực châu Á bất chấp nguy cơ ngân sách quân đội Hoa Kỳ bị cắt giảm mạnh.
Bộ trưởng Panetta nói: “Chúng ta sẽ cùng nhau bảo đảm một vị thế răn đe vững mạnh và hữu hiệu trong liên minh của chúng ta, kể cả việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ để bảo vệ, ngõ hầu Bình Nhưỡng không bao giờ hiểu lầm ý chí và khả năng của chúng ta trong việc đáp ứng một cách quyết liệt trước các cuộc tấn công bằng hạt nhân.”
Căng thẳng đã tăng cao trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi xảy ra vụ đánh chìm một chiếc tầu chiến của Nam Triều Tiên mà Seoul quy trách cho Bình Nhưỡng, tiếp theo đó là vụ tấn công bằng trọng pháo vào một hòn đảo biên giới của Nam Triều Tiên làm 4 người thiệt mạng.
Miền Bắc đã chối bỏ trách nhiệm trong vụ đánh chìm chiếc tầu chiến. Nhưng Bình Nhưỡng bênh vực vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong hồi tháng 11 năm ngoái và nói rằng đó là để đáp lại một hành động khiêu khích của Nam Triều Tiên trong một cuộc tập trận ở đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên, ông Kim cho rằng có khả năng “rất cao” về những vụ khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên trong năm tới.
Ông Kim nói nếu xảy ra một sự cố như thế, Nam Triều Tiên thoạt đầu sẽ phản ứng bằng lực lượng của chính mình và sau đó, nếu cần đến một cuộc phản công mở rộng, sẽ bao gồm thêm tài lực của quân đội Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ duy trì hơn 28.000 nhân viên quân đội ở Nam Tiều Tiên.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tuần này đã mở một vòng đàm phán trực tiếp thứ nhì hiếm khi diễn ra ở Geneve. Các cuộc thảo luận nhắm mục đích thăm dò việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Các cuộc đàm phán này, gồm cả hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, chưa được tổ chức gần 3 năm nay. Năm 2009, Bắc Triều Tiên loan báo từ bỏ các cuộc đàm phán. Sau đó, họ đã cho nổ một thiết bị hạt nhân thứ nhì và phóng thử nghiệm thêm các phi đạn tối tân.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Panetta bầy tỏ sự nghi ngờ rằng các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ thuyết phục được Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Ông Panetta và ông Kim hôm nay bày tỏ thêm mối quan ngại về việc Bắc Triều Tiên tiết lộ hồi năm ngái rằng nay họ còn có một chương trình tinh chế uranium nữa.
Hai người đầu ngành quốc phòng gọi chương trình này là một mối “đe dọa nghiêm trọng“ và cho rằng nó sẽ đem lại cho Bình Nhưỡng một con đường thứ hai để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hai ông hối thúc Bắc Triều Tiên “chứng tỏ thực tâm tiến tới phi hạt nhân hóa qua các hành động cụ thể.”
Cả Washington lẫn Seoul đều nhiều lần tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán 6 bên. Bình Nhưỡng thì nói không nên đề ra các điều kiện tiên quyết.
No comments:
Post a Comment