Kinh tế gia làm việc cho Tổ chức Lao động Quốc tế Steve Kapsos nói thế hệ công nhân trẻ mang vết sẹo tâm lý ngày càng đông. Ông nói: "Nếu quí vị nhìn vào con số người trẻ thất nghiệp trên toàn cầu sẽ thấy nó tăng lên rất cao vì hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế khắp thế giới. Chúng tôi ước tính có thêm chừng 4,6 triệu người trẻ thất nghiệp hiện nay so với năm 2007."

Ông nói thế hệ này còn phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn cũng như dài hạn: "Những người trẻ đi tìm việc làm phải xếp hàng dài chờ đợi lâu hơn xưa nhiều, trước khi có cơ hội kiếm được một việc làm đầu tiên. Đồng lương mà họ kiếm được thấp hơn so với trước đây. Và điều này thực sự đã đặt bước đầu của họ ở mức thấp hơn hiểu theo nghĩa công ăn việc làm và sự nghiệp của họ."

Không phải tất cả những người trẻ thất nghiệp hoặc không có việc làm toàn thời gian đều giống nhau. Theo kinh tế gia Kapsos, có khác biệt giữa những người trẻ ở các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Ông nói: "Tại những nền kinh tế đã phát triển, điều thử thách là phải tạo thêm công ăn việc làm, hạ tỉ lệ thất nghiệp xuống. Tại những nước đang phát triển, điều thực sự là chất lượng của việc làm, đồng lương của công việc. Ở những nước đó, chúng ta thấy một số lớn người trẻ sống dưới mức nghèo khó."

Tại khu vực dưới sa mạc Sahara ở Phi châu, các điều kiện kinh tế khác với nhiều khu vực đang phát triển khác, vì kinh tế nơi đây lại khấm khá hơn đôi chút trong thời kỳ suy thoái toàn cầu. Ông giải thích: "Nếu quí vị nhìn vào mức thất nghiệp tại khu vực dưới sa mạc Sahara ở Phi châu, con số ước tính của chúng tôi cho thấy có rất ít thay đổi trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thất nghiệp thực sự không phải là một vấn đề ở đây. Vấn đề là công việc trả đồng lương quá thấp. Chúng tôi ước tính trong những quốc gia mà chúng tôi nắm được các dữ liệu, chừng 1/4 giới trẻ ở khắp thế giới tại những quốc gia đang phát triển thuộc vào giới công nhân nghèo. Họ có việc làm đấy, nhưng họ sống dưới mức nghèo khó 1 đô la 25 cents một ngày. Con số này còn cao hơn thế nhiều ở những quốc gia Phi châu dưới sa mạc Sahara."

Đồng thời những quốc gia dưới sa mạc Sahara có tỉ lệ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây hơn là nhiều khu vực khác. Chuyên gia Kapsos giải thích trong lúc dữ kiện này tạo cho giới công nhân trẻ tuổi một hy vọng nào đó, những nước này vẫn có những vấn đề khó khăn tiềm ẩn: "Nếu như quí vị nhìn vào nguồn gốc của sự tăng trưởng, phần lớn là dựa trên các thương phẩm. Hầu hết là từ ngành khai thác mỏ, cần đến rất nhiều vốn đầu tư. Chúng không cần đến nhiều lao động. Vì thế thực sự có khó khăn hiểu theo nghĩa tạo công ăn việc làm trong khu vực chính thức, trả đồng lương tử tế để có thể giúp đưa người dân ra khỏi tình trạng nghèo khó. "

Kinh tế gia thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết một lý do quan trọng gây ra mức thất nghiệp cao trong giới trẻ trên thế giới là kỹ năng không phù hợp với công việc cần thuê mướn công nhân.

Chuyên gia Kapsos cho hay giáo dục đào tạo là một giải pháp và đã có cải tiến trong lãnh vực giáo dục. Nhưng ông nói vẫn thường có những cách biệt rất lớn trong trình độ giáo dục và kỹ năng giữa nam và nữ giới tại các quốc gia đang phát triển.

Khi cuộc suy thoái toàn cầu cuối cùng kết thúc, tình hình sẽ có tốt đẹp hơn cho giới trẻ hay không? Ông Kapsos cho rằng không phải ngay tức thời, vì thị trường nhân dụng thường đi chậm hơn là sự hồi phục kinh tế nói chung.

Ông nói: "Khi chúng ta nói đến giới trẻ, thì họ còn trong tình huống tệ hơn là giới người trưởng thành trong vấn đề thị trường nhân dụng hồi phục chậm chạp. Họ thường là những người đầu tiên bị thải việc khi kinh tế đi xuống và là những người cuối cùng kiếm ra việc làm khi kinh tế bắt đầu hồi phục."

Những chi tiết do Tổ chức Lao động Quốc tế thu thập được công bố trong bản phúc trình mới có tên: Global Employment Trends for Youth: 2011 Update.