Sờ tay vào hạnh phúc
Có thể nói sống giữa thời đại thông tin vồ vập, mọi người cuống cuồng lao đi kiếm tiền, xô đẩy nhau thì cuộc sống bình an ở Bhutan cho bạn một cái nhìn mẫu mực đến thuần khiết.
Cụm từ Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) được quốc vương Bhutan ban ra vào năm 1972 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khái niệm được đo lường về tình sức khỏe đất nước thay cho chỉ số GNP Tổng sản lượng quốc gia. GNH được đo đạc trên bốn tiêu chí: Môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, những thiết chế xã hội cùng sức khỏe và tuổi thọ con người.
Chính phủ Bhutan đã sáng chế ra một phác đồ về trạng thái bình an hạnh phúc theo đúng tinh thần Phật giáo. Nếu đến các bản làng hẻo lánh xa xôi, bạn vẫn thấy rất vui vẻ khi dân chúng luôn mỉm cười với điều kiện sống tuyệt vời của họ. Họ được hoàng gia chu cấp gỗ và vật liệu dựng nhà miễn phí. Thay vì dùng điện, họ được cung cấp thiết bị tự tạo điện từ năng lượng mặt trời, cùng với hệ thống nước sạch bắt nguồn từ nguồn nước khoáng thiên nhiên thuần khiết. Dân chúng hoàn toàn được khám chữa bệnh, điều trị thuốc men miễn phí. Trường học, kể cả các bữa ăn sung túc cho học sinh nội trú cũng được nhà nước Bhutan chăm sóc từ A - Z. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có lệnh cấm hút thuốc lá và bán thuốc lá. Hàng lậu gần như không có trong từ điển cuộc sống của người dân nơi đây.
Đám cưới của quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyal Wangchuck và hoàng hậu Jetsun PemaKhi được diễn ra trang trọng và linh đình. Quốc vương Jigme là vị vua đời thứ 5 của Bhutan. Hoàng hậu Jetsun về làm vợ vua khi mới 22 tuổi, cô được đánh giá là người phụ nữ có nhan sắc và tài năng. Vua Jigme từng học ở Mỹ về nên có phong cách và suy nghĩ khá hiện đại. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm theo đuổi con đường dân chủ hóa vương quốc của mình như chính vua cha đã từng quyết định từ bỏ quyền lực tối thượng của dòng tộc Wangchuck để thay đổi hiến pháp và thành lập quốc hội sau lần tổng tuyển cử đầu tiên vào cuối năm 2007.
Không gian Phật giáo tráng lệ
Tận giữa thế kỷ XXI, vương quốc bé nhỏ này vẫn hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của mình và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, hàng năm Bhutan chỉ cấp một số lượng hạn chế visa cho khách du lịch có chọn lọc.
Visa Bhutan bắt buộc bạn phải tiêu xài tối thiểu 200 USD/ngày và điều đó thể hiển bạn phải là người rủng rỉnh tiền và yêu vẻ đẹp di sản ở đây. Đến bất cứ thành phố nào của Bhutan, bạn đều phải đặt chân đến tu viện tráng lệ mang tên Dzong. Dzong như một bảo chứng tinh thần hội tụ tinh hoa văn hóa và tín ngưỡng của người Bhutan. Các tu viện được xây dựng từ thế kỷ XVI, làm say lòng người bởi vẻ tráng lệ, nguy nga sừng sững giữa đồi núi trập trùng. Người Bhutan thờ hoa làm từ bơ sữa với niềm tin không vẻ đẹp nào tồn tại vĩnh hằng.
Người Bhutan theo đạo Phật thuần khiết, họ gần như ăn chay trường và rất hiếm khi ăn thịt. Các món súp, gạo và rau khô với gia vị ớt và pho mát là những món được ưa thích trong những mùa lạnh.
Sáng sớm, người dân thường giữ thói quen đi cầu kinh buổi sáng. Họ dậy từ rất sớm, đi bộ ra đền chùa gần nhất, trên tay cầm một bó lá thông tươi và đốt thông trong những chiếc lò lộ thiên ở ngôi đền. Khói thông ảo ảnh giữa trời mây vướng vít hương tinh dầu thanh khiết dễ chịu. Nó như gột rửa những sân si trả về cho con người sự an lạc và thanh tịnh diệu kỳ.
"Chaam" hay vũ điệu nhảy múa với mặt nạ là một hình thức nhảy múa thần bí được trình diễn trong những lễ hội Phật giáo ở đất nước hạnh phúc
Thông tin cho bạn:
Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Thủ đô là Thimphu. Dân số khoảng 600 ngàn dân.
Khi đi du lịch ở đây, bạn có thể mua sắm vải dệt thủ công, tranh Thangkha, mặt nạ, đồ sứ, gỗ, kim hoàn…
Paro là thành phố lớn thứ hai của Bhutan với 36 ngàn cư dân, nơi duy nhất có sân bay trong cả vương quốc. Thành phố có nét đẹp dễ chịu và gần gũi, nổi tiếng với chợ truyền thống phong phú bày bán nhiều sản vật, đặc biệt là rau quả nhiệt đới, ôn đới và hàn đới như khoai tây, đậu, gia vị, rau xanh hoặc bơ, pho mát, sữa tươi...
No comments:
Post a Comment