Nạn buôn người phát triển mạnh ở Australia
Chỉ có một số ít những kẻ buôn người bị kết án ở Australia, dù các giới chức cấp cao nhấn mạnh rằng họ bắt đầu giành thắng lợi trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Phần lớn các phụ nữ bị buôn bán e ngại nói không muốn ra trình báo cảnh sát vì sợ bị trục xuất và vì người thân của họ bị đe dọa.
Kể từ năm 2003, các đơn vị chuyên trách thuộc quản lý của cảnh sát liên bang Australia đã thực hiện hơn 300 cuộc điều tra, và đã phát hiện ra khoảng 150 phụ nữ làm việc như các nô lệ tình dục.
Hai cuộc điều tra gần đây của cảnh sát đã quy kết các nhà chứa ở Sydney và Melbourne với những kẻ buôn người quốc tế. Các giới chức cho rằng những băng đảng tội phạm có tổ chức dụ dỗ phụ nữ châu Á tới Australia với lời hứa sẽ tìm chỗ học cho họ đại các trường đại học. Nhưng sau đó họ bị buộc phải làm việc trong các nhà chứa hợp pháp tại một số vùng của Australia. Một số phụ nữ bị ép buộc phải quan hệ tình dục với hàng trăm đàn ông để lấy tiền trả nợ gồm tiền vé máy bay và nhà ở cho những kẻ buôn người.
Ông Chris McDevitt, chỉ huy đơn vị chống buôn người tại cơ quan cảnh sát liên bang Australia, nói các khách hàng tới mua dâm tại những nhà chứa mà phụ nữ bị buộc phải bán dâm cũng có thể bị bắt.
Ông McDevitt nói nếu họ biết mà vẫn tới các nhà chứa đó, và nếu họ biết mà vẫn mua dâm với những người bị làm nô lệ tình dục, thì rốt cục họ có thể bị truy tố hình sự. Ông cho biết sẽ không do dự, và sẽ rất vui mừng có cơ hội tống giam bất kỳ ai thực sự biết mà vẫn cố tình vi phạm.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói họ tin rằng con số các vụ buôn người mà giới hữu trách điều tra không tiêu biểu cho mức độ toàn diện của vấn đề buôn người.
Không có thông tin đáng tin cậy về số người bị đưa lậu vào Australia mỗi năm, mặc dù các ước tính khác nhau cho rằng con số đó ở vào khoảng 1.000 trường hợp.
Tình trạng buôn người thực tế không chỉ giới hạn trong ngành dịch vụ tình dục. Các giới chức nói rằng đàn ông, phụ nữ và trẻ em còn bị lạm dụng trong nhiều lĩnh vực.
Cảnh sát Australia nói nạn buôn người nằm trong khuôn khổ của một công cuộc làm ăn toàn cầu lên đến nhiều tỷ đôla, và đứng thứ hai sau buôn bán ma túy và vũ khí trái phép.
No comments:
Post a Comment