Động đất Indonesia gây rung lắc cao ốc Việt Nam
Gần 16h chiều nay, nhiều người đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở TP HCM và Hà Nội cảm nhận rõ sự rung lắc trên bàn, bảng treo tường. Viện Vật lý địa cầu xác nhận, hiện tượng rung động là do sóng lan truyền động đất từ Indonesia.
"Tôi thấy mọi thứ chao đảo nhẹ trước mắt khoảng 3 phút trong văn
phòng", bạn Thu Huyền, làm việc tại cao ốc ở quận 1, TP HCM, cho biết. Một số
người tại cao ốc trên đường Điện Biên Phủ, quận 10 cũng cảm nhận rõ rung lắc,
tấm bảng treo rung chuyển.
Tòa nhà Bitexco ở quận 1 cũng có tình trạng tương tự, nhiều
người trong tòa nhà này cảm thấy chao đảo, tức ngực. Nhiều nhân viên văn phòng
vội vã chạy xuống đường.
Tại Hà Nội, anh Kiên, nhân viên văn phòng tại tòa nhà
Vietcombank đường Trần Quang Khải kể lại: "Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chúng tôi
chỉ kịp cảm nhận mất thăng bằng và chóng mặt khi nhìn bên ngoài cửa sổ".
Anh Kiên cho hay, một số người đã chạy xuống dưới sân để tránh
nạn. Ban quản lý tòa nhà lập tức liên hệ với viện Vật lý địa cầu để hỏi thông
tin. Sau khi biết chỉ rung động nhẹ nên mọi người trở về làm việc bình
thường.
Sau đợt rung động đầu tiên, lúc 17h cư dân tại một số cao ốc ở
TP HCM tiếp tục cảm nhận đợt rung lắc nữa.
Nhiều người chạy xuống đường tại tòa nhà ở quận 4, TP HCM. Ảnh: Vi Khoa |
Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất sóng thần
Việt Nam cho biết, Việt Nam chịu ảnh hưởng động đất 8,9 độ richter vừa xảy ra ở
Indonesia. Tuy nhiên, Việt Nam nằm xa khu vực động đất nên chỉ những người ở khu
vực cao tầng có cảm giác rung. "Sóng lan truyền động đất ở Indonesia đã làm các
tòa nhà ở Việt Nam rung động", ông Minh nói.
Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cũng
khẳng định, những trận động đất ở Indonesia, Việt Nam rất khó bị ảnh hưởng
nhiều. Khu vực phía Nam cảm nhận rung chấn rõ nhất, nhưng không lớn. Chiều 11/4,
trạm đo địa chấn ở phía Nam ghi nhận được những rung động nhỏ, dưới cấp 5. Hiện
chưa có cảnh báo sóng thần tại Việt Nam.
Giáo sư Triều giải thích, sau đợt lan truyền động đất lúc 16h,
sẽ xuất hiện dư chấn động đất. Người dân tại Việt Nam có thể cảm nhận rung lắc,
nhưng với tần suất giảm dần.
Viện Vật lý địa cầu cũng ghi nhận trận động đất ở Indonesia xảy
ra gần vị trí động đất Sumatra năm 2004.
Nhóm phóng viên
No comments:
Post a Comment