Bệnh Bò Dại và bệnh CJD, biến thể của nó
- Bệnh Bò Dại có tên khoa học là bovine spongiform encephalopathy, viết tắt BSE.

- Là một bệnh thoái hóa gây tử vong tác động đến hệ thống trung khu thần kinh của trâu bò.

- Các khoa học gia tin rằng bệnh lây truyền do việc cho con vật ăn thịt và xương súc vật bị nhiễm bệnh BSE.

- Con người không bị bệnh BSE.

- Các dữ kiện cho rằng con người ăn thịt gia súc nhiễm BSE có thể mắc bệnh Creutzfeldt-Jacob Disease, hay CJD, một biến thể của bệnh bò dại.

- Kể từ khi bệnh CJD được báo cáo lần đầu vào năm 1996, có 244 bệnh nhân thuộc 11 nước đã được xác định mắc bệnh thoái hóa não.
Hai nhà bán lẻ Nam Triều Tiên đã ngưng bán thịt bò nhập từ Hoa Kỳ sau khi một ca bệnh bò dại mới được phát hiện tại Hoa Kỳ.

Ông John Clifford của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ loan báo tin này ngày hôm qua.

Ông Clifford nói con vật liên hệ là một con bò sữa từ bang California. Ông cho biết Phòng thí nghiệm của bộ nông nghiệp Mỹ đã xác nhận kết quả và có dấu hiệu cho thấy ca này thuộc dạng không điển hình của bệnh bò dại, một hình thức hiếm thấy của bệnh này, có phần chắc không do lương thực bị nhiễm, là phương pháp lây lan thông thường từ bò này sang bò khác. "

Các giới chức nông nghiệp Nam Triều Tiên nói sẽ tăng cường thanh tra thịt bò nhập khẩu từ Hoa Kỳ sau loan báo hôm ua, nhưng cho biết sẽ không đình chỉ thủ tục hải quan để nhập thịt bò Mỹ. Làm như thế, kể như là ngưng nhập thịt bò của Hoa Kỳ trên thực tế.

Nam Triều Tiên đã từng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ sau vụ phát hiện bệnh bò dại đầu tiên.

Lệnh này được hủy bỏ hồi năm 2008 sau khi Seoul đạt được thỏa thuận với Washington, thỏa thuận này đã khơi dậy các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ.

Năm 2011, Nam Triều Tiên nhập khẩu 107,000 tấn thịt bò từ Hoa Kỳ.

Vụ phát hiện bệnh bò dại lần này có thể tác động tới các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tokyo cũng đã cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ hồi năm 2003, nhưng năm 2005 đã đồng ý hạn chế gia súc nhập vào Nhật Bản, chỉ nhận các con bò 20 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn.

Nói chuyện với các nhà báo hôm nay, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimara nói vụ phát hiện này sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại.

Ông Fujimara nói các thông tin của Nhật Bản dựa vào các dữ kiện khoa học cho thấy 2 vấn đề ấy hoàn toàn riêng biệt. Ông khẳng định rằng tình hình bệnh bò dại bây giờ không có liên hệ gì tới các cuộc thảo luận về Thỏa thuận Đối tác Thương mại Xuyên Thái bình dương (TPP).

Ông Fujimara còn nói chính phủ Nhật Bản sẽ không thay đổi tiến trình thanh tra, vì con bò bị nhiễm bệnh già hơn 30 tháng.

Những dấu mốc quan trọng của bệnh bò dại
1986 - Trâu bò ở Anh phát bệnh, và người ta gọi là bệnh bò dại.

1992 - 37.000 ca bệnh được báo cáo

1995 - Những ca chết người đầu tiên tại Anh do một dạng biến thể bệnh bò dại.

2000- Anh báo tin một con bò bị nhiễm bệnh mặc dù sinh ra sau khi có những biện pháp triệt hạ Bệnh Bò Dại.

2001- Bệnh Bò Dại bùng phát tại Nhật lần đầu tiên.

2004- Trâu bò tại Canada và Hoa Kỳ có kết quả xét nghiệm mắc bệnh.

2011- Khắp thế giới có 29 ca Bệnh Bò Dại.

2012 - Bò tại bang California có kết quả xét nghiệm mắc bệnh – ca thứ 4 phát giác tại Mỹ.