Mối lo 'ăn gì bây giờ cũng sợ độc'
Sau khi thịt lợn nhiễm hóa chất cấm bị phát hiện ở nhiều nơi, một bộ phận người tiêu dùng quay lưng lại với loại thịt này; tiếp theo lại có thông tin gạo lạ, trứng gia cầm nghi làm từ cao su... dấy lên nhiều lo lắng về thị trường thực phẩm không an toàn.
Chất tăng trọng tạo nạc thuộc nhóm Beta Agonits (như Clenbuterol, Salbutamol) là loại hóa chất độc hại và bị cấm sử dụng trong chăn nuôi cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên vì hám lợi, những cơ sở sản xuất thực phẩm cho lợn vẫn dùng hóa chất này trộn thành thức ăn để kích thích lợn mau lớn, nở mông, nở vai, tan mỡ và cho thịt nạc sát da, bán được giá.
Theo kết quả giám sát của cơ quan chức năng tại các lò mổ trên địa bàn TP HCM, có tới 43% số mẫu nước tiểu và 24% số mẫu thịt nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists. Ngoài ra tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng phát hiện hàng chục kg chất tạo nạc và mẫu thịt lợn nhiễm hóa chất này.
Thông tin về thịt lợn nhiễm hóa chất cấm khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Ảnh: Thi Ngoan. |
Mới đây, một cuộc khảo sát trên diện rộng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ghi nhận, có 13 trong số 168 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta Agonits (chiếm 4,8%). Riêng tại 15 tỉnh, thành ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ, tỷ lệ số mẫu dương tính là 3 trong số 150 (gồm một mẫu gan lợn, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi).
Các bác sĩ viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP HCM khuyến cáo, người ăn phải loại thịt siêu nạc này có nguy cơ bị loạn nhịp tim, run cơ, rối loạn tiêu hóa dẫn đến ngộ độc, tai biến... Trước tình hình này, nhiều người tiêu dùng lo ngại và quay lưng với thịt lợn.
Gần 1.900 độc giả tham gia cuộc thăm dò ý kiến trên Vnexpress.net về "phản ứng thế nào trước thông tin lợn bị cho ăn bột siêu nạc", có 32% (607 phiếu) cho biết sẽ tẩy chay thịt lợn chợ và chỉ mua thịt ở siêu thị, 35.5% (672 phiếu) ý kiến giảm ăn thịt lợn tối đa kể cả thịt ở siêu thị, 20,8% (395 phiếu) không ăn thịt lợn mà chuyển sang ăn món khác, chỉ 9.4% (179 phiếu) cho biết sẽ tiếp tục ăn thịt bởi không còn lựa chọn nào khác.
Nhìn nhận tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, vừa qua Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đã họp yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương lấy các mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi để kiểm tra, xử lý nhanh, không để tình trạng này tiếp diễn.
Bảng khảo sát gần 1.900 độc giả trên Vnexpress.net. Ảnh chụp màn hình. |
Chưa hết lo lắng thịt lợn nhiễm hóa chất, người dân lại lần nữa hoang mang trước thông tin về một loại gạo lạ đang được bán trên thị trường nghi làm từ nilon. Mặc dù Cục vệ sinh an toàn thực phẩm hôm qua khẳng định gạo nghi giả này thực chất là gạo thật, song người tiêu dùng vẫn thấy hoang mang trước tình hình "loạn thị trường thực phẩm" hiện nay.
Năm 2011, người dân TP HCM cũng từng xôn xao về một loại gạo lạ mang tên "gạo Thái Lan". Hạt gạo có những dấu hiệu khác thường như hình dạng thon dài đến 10 mm, đều tăm tắp, không có hạt gãy đôi, sứt mẻ, bụng không bạc. Khi nấu thành cơm, loại gạo này không có mùi thơm, hạt đàn hồi như cao su.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, loại gạo này có xuất xứ Trung Quốc, làm từ bột tổng hợp, trong đó có cả bột sắn, bằng mắt thường có thể dễ dàng phân biệt được.
Cũng theo ông Ngọc, mức độ độc hại của loại gạo lạ này đang được phân tích kỹ càng. Song, trước khi có kết luận của cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên ăn những sản phẩm có dấu hiệu như trên mà cần chọn gạo có rõ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo an toàn.
Trước đó tại Hà Nội, người dân cho rằng phát hiện một loại trứng non dẻo như cao su nghi là trứng giả. Khi cắt trứng thành từng lát thì bề mặt cắt bóng mịn, uốn cong rồi thả ra lát trứng lại trở về hình dạng ban đầu, dù bóp hay xoắn cũng thế.
Hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có ghi nhận trường hợp trứng gà giả tại Việt Nam, song nhằm ngăn chặn, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có công văn gửi Sở Y tế của 64 tỉnh thành yêu cầu phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, phát hiện trứng gà giả. Trước đó lãnh đạo Cục đã yêu cầu các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, nơi xuất phát của trứng giả thu thập mẫu trứng để kiểm tra.
Những thông tin về thịt lợn nhiễm chất cấm, gạo nghi giả, trứng gà giả... gần đây càng khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang khi chọn mua thực phẩm. Rau trái thì bị phun thuốc trừ sâu hoặc dùng hóa chất kích thích chín đẹp; thịt gia cầm bị bơm nước hoặc nhuộm vàng da bằng hóa chất... Nói như bà Trang, nửa tiếng đồng hồ dạo chợ Phạm Văn Hai (TP HCM) sáng nay mà vẫn chưa chọn mua được gì: "Bây giờ ăn món gì cũng cảm giác có độc, sẽ gây ung thư. Thịt lợn thì nhiễm hóa chất cấm, rau cũng nhiễm chì, ngay cả trứng mà còn làm giả thì không biết ăn cái gì là an toàn nữa".
Nhiều độc giả VnExpress.net cũng gửi thư về tòa soạn nhận xét thị trường thực phẩm hiện nay "rối loạn như chiến trường". Tình trạng dùng quá nhiều hóa chất trong chăm sóc, bảo quản thực phẩm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh nan y hiện nay.
Ghi nhận của VnExpress.net vào tháng 10/2011, để cho thịt gà có màu sắc bắt mắt hơn, một số tiểu thương tại Hà Nội đã nhuộm vàng thịt bằng hóa chất, trong đó có nhiều loại tiềm ẩn nguy cơ gây độc, thậm chí ung thư. Tháng 7/2010 trên 7 tỉnh thành ở miền Nam có đến 103 bệnh nhân tả, trong đó chủ yếu là Bến Tre, An Giang, TP HCM, ngoài ra là ở Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu và Tây Ninh. Theo báo cáo của Viện Pasteur, nhiều mẫu nước sông, mẫu rau sống và nước đá tại Bến Tre, An Giang đã được phát hiện có phẩy khuẩn tả. Cũng trong tháng này, kiểm tra đàn chó đang chờ giết mổ tại cơ sở Vinh Sử, xã Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội), cơ quan chức năng đã phát hiện vi khuẩn gây tiêu chảy cấp nguy hiểm. Dương Nội là một trong những địa bàn cung cấp thịt chó chủ yếu cho Hà Nội. Đây là lần thứ hai xã này bị phát hiện nhiễm khuẩn tả. Hồi tháng 3/2008 15 trường hợp bệnh nhân tiêu chảy cấp được xác định là dương tính với phẩy khuẩn tả. Qua điều tra dịch tễ, các chuyên gia nhận thấy thực phẩm mà các bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm ở Hà Nội, Hải Phòng và Hà Tây đều rất đa dạng, nhưng điểm chung là đều có rau sống. Nguyên nhân rau nhiễm khuẩn được xác định là do nhiều nơi vẫn có tập quán bón rau bằng phân tươi và đây chính là nguồn vi khuẩn tả và nhiều mầm bệnh đường tiêu hóa khác. Vi khuẩn tả vẫn có thể lan truyền đáng kể do tình trạng rửa rau bằng các loại nước ao, mương…, và tưới rau bằng nước bẩn. |
Thi Ngoan
No comments:
Post a Comment