Thịt thối - hành trình từ chợ tới bàn ăn
Miếng thịt sống đã thiu, chảy nước và bốc mùi hôi thối, chỉ cần ngâm 20 phút trong nước pha "bột tẩy" là mất mùi hoàn toàn, màu sắc cũng tươi hồng trở lại. Theo người bán, loại bột này được các quán ăn bình dân, người bán đồ ăn chín, măng tươi... ưa dùng.
Từ cuối năm ngoái tới nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát
hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển thịt thối.
Tại nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội, các loại thịt ôi, thối này cũng
được bày bán và khách hàng thường xuyên chính là chủ các quán cơm bình dân.
Trong vai người tìm nguồn hàng cung cấp thịt rẻ cho một quán cơm
bình dân sắp mở, phóng viên VnExpress.net tìm tới chợ đầu mối Dịch Vọng
hậu (Xuân Thủy, Hà Nội).
Biết khách có ý định lấy hàng nhiều về mở quán, một chủ cửa hàng
ở góc chợ hồ hởi giới thiệu: "Muốn lấy bao nhiêu cũng được, hàng tạ, tấn, loại
nào cũng có", rồi lôi dưới sập hàng ra một tảng thịt bầy nhầy có màu thâm sì:
"Đây là thịt lợn sề, nhưng vẫn ngon, nếu em lấy nhiều, chị để giá 60 (60.000
đồng một kg). Cái này về thêm cần tỏi tây là có món bò xào ngon lành rồi". Chỉ
vào mấy tảng thịt thăn, mông... có màu nhợt nhạt, chảy nước bên cạnh, chị này
tiếp: "Loại này thì phải 70".
Trên sạp hàng của chị bày bán cả gà công nghiệp, tim gà, tim lợn
còn đóng đá, chảy nước. Trong lúc giới thiệu các sản phẩm với khách mới, chủ cửa
hàng liên tục đưa các gói hàng đã được đóng sẵn cho những người tới lấy, và
không ai trong số họ mặc cả. "Đều là khách quen, toàn chủ hàng cơm cả. Chỉ cần
buổi tối gọi trước, thích hàng kiểu gì cũng có, sáng ra chỉ việc tới lấy", người
bán giải thích.
Tại chợ đầu mối Phùng Khoang, khi hỏi thăm tới nơi có thể giao
buôn thịt lợn với số lượng lớn "không cần chất lượng cao, chỉ cần giá rẻ", khách
được một người bán thịt mách nước: "Dù mua nhiều tới đâu, nhưng muốn thịt xịn
thì giá thấp nhất là 75.000 một kg, còn muốn rẻ hơn, phải đến thật sớm, có thể
mua được 50.000 đồng một kg".
Theo lời người bán hàng, loại thịt
có giá thấp nhất này thường là thịt lợn ốm, chết, thậm chí đã chôn rồi lại đào
lên và để đông lạnh nhiều ngày, khi mang ra bán, thịt chảy nước, màu trắng bệch,
có mùi. "Nhưng chỉ cần ngâm qua 'bột tẩy' là
lại chế biến thành món ăn được ngay", người này nói.
Chị cũng cho biết loại thịt này thường được bán rất chóng vánh,
từ 5h đến 7h sáng, cho các chủ hàng ăn từ khắp nơi tới, sau giờ này, nếu còn
hàng, người bán cũng không dám bày ra vì sợ bên kiểm dịch tới tịch thu.
Để kiểm chứng việc thịt ôi, thối có thể được "hô biến" thành
thịt tươi và đưa lên bàn ăn, VnExpress.net đã lần theo một công nghệ vô
cùng đơn giản, rẻ tiền: dùng bột săm pết.
Theo giới thiệu của một người có kinh nghiệm mua mặt hàng này,
kèm lời chỉ dẫn "họ cũng cảnh giác nên khi mua phải nói luôn là cần bột săm pết,
và xòe tiền ra ngay", phóng viên tìm tới khu hàng chuyên bán đồ khô tại chợ Đồng
Xuân và làm theo đúng hướng dẫn.
Y như rằng, khi được hỏi, bà bán hàng tầm hơn 50 tuổi ngay gần
lối vào cổng số 9 đon đả: "Lấy bao nhiêu, 1 kg à, 50 nghìn thôi", rồi vào bên
trong quầy lấy ra một túi nilon đựng một chất bột màu trắng, trông giống như
muối tinh.
Miếng thịt sống sau 2 ngày để ngoài trời đã nhớt nhẽo, bốc mùi thối và đầy bọ, nhặng bâu vào (trái) và sau khi ngâm nước pha bột săm pét trong 20 phút, thịt không còn mùi, phần mỡ trắng lại, phần nạc hồng hơn (phải - đã được lật mặt bên kia lên). Ảnh: Minh Thùy. |
Người bán hàng cho biết, loại bột này vốn được đựng trong các
bao tải 25 kg, nhưng thường người mua lẻ cần ít, nên bà chia ra các túi 1 kg.
"Lời lãi chả bao nhiêu, nên nếu lấy ít hơn thì chúng tôi chẳng bán, còn lấy cả
bao thì bớt cho mỗi kg 5 nghìn", bà nói.
Khi được hỏi về cách dùng loại bột này, bà hướng dẫn: "Cứ đồ ôi
thiu, dù sống hay chín, pha nước ngâm vào là lại dùng tốt, 1 kg thực phẩm thì
chỉ cần pha một thìa nhỏ (thìa cho trẻ ăn bột) vào nước rồi ngâm. Chỗ này dùng
lâu mới hết".
Theo lời người bán hàng, đây là mặt hàng ưa chuộng của những
quán cơm bình dân, cửa hàng bán đồ ăn sẵn. "Nem tai, lòng lợn... làm ra rồi,
không bán hết thì chẳng ngâm cái này cho hết mùi, trắng trẻo để bán lại, thì đổ
đi à. Hàng măng cũng hay dùng, thế thì mới có măng ngon cả vài tháng chứ", bà
nói thêm.
Để thử nghiệm tác dụng của loại bột
này, phóng viên đã dùng 2 lạng thịt mông lợn và phần lòng lợn đã luộc
sẵn, để ngoài trời 2 ngày, 2 đêm, cho tới khi miếng thịt, lòng
bốc mùi khó chịu, rỉ nước, nhặng bu quanh rồi ngâm vào nồi nước có pha một thìa
bột săm pết trong 20 phút.
Kết quả, cả miếng thịt sống và lòng chín khi vớt ra đều không
còn mùi thối, màu sắc cũng hồng lại chứ không thâm, vàng, dù có vẻ hơi nhợt nhạt
hơn đồ tươi.
Loại bột pha nước ngâm để xử lý thực phẩm ôi thiu không nhãn mác, chỉ ghi bên ngoài chữ Săm bét. Ảnh: Minh Thùy. |
Kết quả kiểm nghiệm với một mẫu bột này của Viện Kiểm nghiệm an
toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, nó chứa 99% hóa chất natri sunphat
(Na2SO4).
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ
thực phẩm trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thông thường, trong công
nghệ thực phẩm, hóa chất Na2S03 thường được sử dụng hơn, để tẩy trắng, tẩy mùi,
được phép sử dụng, nhưng với liều lượng thấp vì quá đà sẽ gây nguy hiểm. Còn
Na2S04 là một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp, không nằm trong
danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.
Đây là những chất oxy hóa mạnh, có khả năng tẩy màu, sát khuẩn
nhưng trong quá trình chế biến phải được loại khỏi thực phẩm.
Ông cho biết, trong hóa học, săm bét - thực chất là săm pết -
lại chỉ một hỗn hợp khác, gồm hai chất là KNO2 và KNO3. Đó là một phụ gia được
phép dùng nhưng trong một giới hạn nhất định nhằm giữ cho thịt không bị chuyển
vi sinh vật sinh ra độc thịt. Thịt được ướp chất này sẽ có màu tươi, đẹp mắt.
Một lượng nhỏ kali nitrat vào cơ thể không gây độc hại. Tuy nhiên, trong cơ thể
nitrat kết hợp với axit amin thành nitrosamin - một chất có khả năng gây ung
thư, nên rất nguy hiểm.
Theo ông, thực tế, miếng thịt đã qua tẩy mùi, màu, dù bằng hóa
chất nào, nếu nhìn qua bằng mắt thường sẽ khó nhận biết, nhưng chỉ cần để ý kỹ,
sờ vào sẽ thấy ngay sự khác biệt. Khi đã ôi, thớ thịt bên trong mềm, màu sắc
thịt được tẩy dù không không còn thâm đen do thịt hoại tử nhưng cũng cũng nhợt
nhạt, trông "dại" hơn thịt tươi thực sự.
"Thực chất, sẽ rất ít khi người ta đem thịt này ra bán cho người
mua lẻ, chủ yếu là các cửa hàng ăn uống bình dân hoặc chế biến đồ ăn sẵn mua sẽ
thịt ôi về cho rẻ rồi tự 'xử lý' qua hóa chất để mất màu, mùi rồi chế biến thành
các món ăn khác nhau", ông Thịnh nói.
Theo thạc sĩ Trần Trọng Vũ, Khoa
Công nghệ thực phẩm Đại học công nghệ Sài Gòn, hóa chất Na2SO4 không ảnh hưởng
nhiều lắm đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu chất này dùng để "hóa phép"
thịt ôi thành thịt tươi thì lại rất nguy hại.
"Vấn đề nằm ở chỗ, nếu thực phẩm được xử lý bằng hóa chất này,
thì chỉ có tác động bề ngoài, thay đổi màu sắc, mùi, chứ không biến đổi được
chất lượng, tức là người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm hỏng, cộng thêm
một lượng hóa chất bảo quản không được phép", ông Vũ nói.
Ông cho biết, trong vòng 24 giờ, nếu để ngoài nhiệt độ thường,
thịt đã hỏng và không nên sử dụng. Thịt hay các thực phẩm sống khác khi bị ôi
thiu sẽ là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật có hại sinh sôi nảy nở.
Không những thế, khi hoại tử, bản thân thực phẩm động vật cũng phân hủy ra các
độc tính. Người tiêu dùng khi bị đánh lừa, ăn thịt này vào sẽ rất nguy hiểm, nhẹ
bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn, nặng thì có thể ảnh hưởng tới tính
mạng...
Minh Thùy
No comments:
Post a Comment