Lộ diện doanh nhân người Việt mua lại thị trấn Mỹ
Doanh nhân đã thắng đấu giá thị trấn Buford là anh Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM.Anh Phạm Đình Nguyên - "thị trưởng" mới của thị trấn Buford. Ảnh: Tuổi trẻ |
Bài viết về thương vụ này trên trang CNN tính đến tối nay (6/4) đã nhận được khoảng 630 bình luận (comment) từ độc giả. Nhiều tờ báo khác có mở chức năng cho độc giả bình luận sau mỗi bài viết như Daily Mail, USA Today, trang ABC... cũng nhận được một số lượng kha khá bình luận cho tin viết về vụ thâm tóm nói trên.
Riêng chuyện đắt rẻ của mức giá mà hai người Việt Nam trả để có được Buford đã được bàn luận rất sôi nổi.
Nhiều độc giả cho rằng, hai nhà đầu tư không tiết lộ danh tính đến từ Việt Nam đã bị "hớ" khi chi số tiền 900.000 USD để đổi lấy Buford. Vài người cũng "đoán già đoán non" về mục đích sử dụng Buford sắp tới của chủ nhân người Việt.
"Trừ trạm xăng và cửa hàng tiện ích là đáng giá. Có vẻ như họ đã trả một mức giá quá cao để có được bất động sản này", độc giả TexasRedNeck bình luận trên tờ Daily Mail.
"Sammons gặp may rồi. 'Thị trấn' đó chỉ là một nơi tồi tệ nằm bên một con đường bị đóng cửa khoảng một nữa thời gian mỗi năm. Có thể chủ mới sẽ xây một khách sạn để phục vụ các tay lái xe bị mắc kẹt chăng?", độc giả oleole47 viết trên trang CNN. Don Sammons là người vừa bán lại thị trấn Buford cho nhà đầu tư Việt Nam. Ông là cư dân duy nhất, đồng thời tự phong là thị trưởng và chủ sở hữu của thị trấn này.
Với quan điểm tương tự, độc giả onjoFilms của trang CNN viết: "Tôi đoán ông Sammons đã khóc vì ông ta không tin là mình vừa trúng xổ số!".
Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, mức giá 900.000 USD để có được Bufford là giá "hời".
"900.000 USD. Một mức giá nhỏ để có được một nơi đẹp đẽ bên đường Interstate 80. Nơi này có thể xây được một siêu thị" - bình luận của độc giả digger1111 trên CNN. Độc giả có tên Hanh Dinh của CNN thì cho rằng, bất động sản ở Mỹ nhiều nơi rẻ hơn ở Việt Nam, nhiều người Việt Nam dễ dàng mua được một căn nhà ở Mỹ hơn là ở Việt Nam".
Độc giả Flyin'Lion của tờ Daily Mail gửi tới chủ nhân người Việt của Buford lời nhắn: "Tôi ghen với bạn đấy! Xin chúc mừng!"
"Biết đâu, đang có 4 tỷ thùng dầu nằm ngay dưới thị trấn này...", độc giả marko12A tưởng tượng trên CNN.
Việc Buford, thị trấn nổi tiếng của nước Mỹ được một người Việt Nam mua lại thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả Mỹ. |
Trên tờ USA Today, độc giả Frank Benedetto cho rằng, biết đâu, hai nhà đầu tư Việt Nam mua Buford lại là những người có tầm nhìn xa trông rộng. "Đừng quên, Las Vegas cũng có thời là một vùng sa mạc bỏ hoang. Người có tầm nhìn sẽ tạo ra thiên đường", độc giả này viết.
Trên thực tế, việc người Việt Nam sang mua nhà đất ở Mỹ không còn là chuyện hiếm. Hãng tin Bloomberg mới đây đưa tin, tranh thủ việc giá nhà ở Mỹ giảm mạnh mấy năm qua, người châu Á, nhất là Trung Quốc và Việt Nam, đang là lực lượng khách hàng mua bất động sản đông đảo ở một số khu vực thuộc bang California. Tuy nhiên, chuyện người Việt mua cả một thị trấn Mỹ thì đúng là chuyện cần bàn.
Nhiều người cho rằng, việc cả một thị trấn - một phần của nước Mỹ - bị người nước ngoài mua lại là một tiếng chuông cảnh báo. "Nước Mỹ đang bị rao bán, ở tất cả mọi nơi... Mọi người tỉnh lại đi!!", độc giả FreeDumbie hốt hoảng trên CNN.
Có không ít ý kiến độc giả nhận định, việc ngày càng có nhiều tài sản, bao gồm bất động sản, của Mỹ rơi vào tay người nước ngoài là kết quả của tình trạng vay nợ tràn lan của người dân và Chính phủ nước này.
"Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi mà nợ công của nước Mỹ vượt 1.000 tỷ USD. Người từ Trung Quốc đại lục sẽ xuất hiện. Hãy hy vọng là nước Mỹ sẽ không trở thành một Hy Lạp thứ hai", độc giả gliese42 bày tỏ lo lắng cho tương lai của nước Mỹ trên CNN.
"Ôi, nước Mỹ đang ở trong tình trạng thảm đến nỗi bị nhà đầu tư Việt Nam mua mất cả một phần", độc giả IsraelDFX7 trên CNN bình luận.
Trên trang ABC, độc giả EdM lo lắng khi thấy người nước ngoài mua đất ở Mỹ quá dễ dàng: "Một số bài báo khẳng định khách mua đến từ Việt Nam, và đây là chuyến đi đầu tiên của họ tới Mỹ. Người nước ngoài đến Mỹ mua đất thật dễ làm sao!"
Tuy nhiên, cũng có một lực lượng đông đảo độc giả bày tỏ quan điểm "thoáng" hơn về vụ người Việt mua thị trấn Mỹ nói riêng, và người nước ngoài thâu tóm tài sản Mỹ nói chung.
"Tôi không hiểu tại sao mọi người lại cho rằng người nước ngoài không nên được phép tài sản Mỹ. Người Mỹ chúng ta đang hiện diện khắp nơi ở những thành phố như Hồng Kông, Singapore, Tokyo và Jakarta với những thương hiệu Dunkin' Donuts, McDonalds, Starbucks, Outback Steakhouses, Pizza Huts, Wendys, KFC, Walmart, Ace Hardware, phim ảnh Mỹ, Coca Cola, máy bay Boeing, tin tức CNN, xe Buick...", độc giả Scott603 viết trên CNN.
"Nước Mỹ có một hệ thống thị trường mở và những người này trả tiền để mua đất Buford. Họ chẳng lẻn qua biên giới vào Mỹ để xin trợ cấp. Tôi nghĩ các bạn nên chào đón những người đưa tiền vào nền kinh tế của các bạn và tham gia vào giấc mơ Mỹ", độc giả Kristi_Denmark bình luận trên CNN.
Một vài độc giả thì phản biện bằng cách đề cập tới việc nước Mỹ từng thâu tóm đất đai của các quốc gia khác. "Mọi người cứ nói tiêu cực khi nhắc tới chuyện người nước ngoài mua đất ở Mỹ. Hãy đọc lịch sử đi. Mọi người nghĩ là Guam, Hawaii, Puerto Rico, Samoa... thuộc quyền sở hữu của Mỹ từ đầu hay sao", độc giả pjm1234 viết trên CNN.
Nhiều độc giả thậm chí tỏ ra không ngạc nhiên lắm về vụ nhà đầu tư Việt thâu tóm Buford. "Người Đức và người Nhật đã mua đất Mỹ từ lâu. Chẳng có gì sai khi người Việt mua một 'thị trấn' trống trơn ở Wyoming... Xét cho cùng, Buford chẳng phải là Rockefeller Center" - bình luận của độc giả Ax2wolverine trên CNN. Rockerfeller Center là tòa nhà nổi tiếng của Mỹ đã được người Nhật mua lại vào thập niên 1980.
Độc giả Kotatsu cho rằng, không nên "nghiêm trọng hóa vấn đề", vì Buford không đáng được gọi là một thị trấn.
"Người khách đó chỉ đơn thuần mua 10 mẫu đất, một cửa, hàng, một căn nhà, và mấy tòa nhà nữa với giá 900.000 USD. Chẳng khác gì so với việc họ mua riêng từng thứ. Khó có thể xem đây là một thị trấn thực sự, mà chỉ là đất đai nhà cửa của một ai đó và được gắn mác 'thị trấn'".
Với cái nhìn thậm chí còn "cởi mở" hơn, một độc giả của tờ USA Today gợi ý nước Mỹ bán đất để lấy tiền trả bớt nợ nần.
"Tại sao các tiểu bang và liên bang không bán một ít đất cho các cá nhân để trả nợ. Các bang North Carolina, South Carolina, Georgia và Florida sở hữu hàng nghìn hòn đảo nhỏ. Tại sao không bán hạn chế các đảo này để có hàng nghìn nghìn tỷ USD, chưa kể được thu thêm thuế?", độc giả này viết.
3 cách để mua bất động sản ở Mỹ Ông L.Đ.T. - doanh nhân sinh sống và làm ăn tại TP.HCM - cho biết ông có nhiều bạn bè mấy năm trước đã sang Mỹ đầu tư, mua đất làm trang trại. Một nhóm bạn khác mua nhà để cho con cái sau này sang học tập, sinh sống. Giá một trang trại trung bình ở Mỹ dưới 1 triệu USD rao bán cũng khá nhiều. "So với giá những lô đất của họ đã có ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), có những lô từng bán với giá 1,8 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng), biệt thự họ sống giá 40-50 tỉ đồng thì việc mua một trang trại vài trăm ngàn USD hoặc hơn 1 triệu USD không là chuyện quá lớn" - ông T. chia sẻ. Theo ông T., có ba cách để mua bất động sản ở Mỹ mà bấy lâu nay các doanh nhân Việt Nam vẫn áp dụng. Thứ nhất: lập công ty, có dự án đầu tư ở Mỹ, tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cấp phép, sau đó chuyển giấy phép này qua Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư. Thứ hai (khá phổ biến): doanh nhân Việt sẽ lấy "thẻ xanh" (green card) hay còn gọi là thẻ định cư và chuyển tiền theo nhu cầu. Có hai loại thẻ xanh: định cư hoặc đầu tư. Với trường hợp đi định cư, người định cư sẽ được mang tiền trong tài khoản sang Mỹ. Cá nhân người Việt sẽ nhờ luật sư tìm cơ hội kinh doanh ở Mỹ để đầu tư. Sau đó công ty ở Mỹ sẽ gửi hợp đồng hợp tác làm ăn và một hóa đơn yêu cầu chuyển tiền, cá nhân Việt Nam mang hợp đồng và hóa đơn này ra ngân hàng và chuyển sang Mỹ. Theo ông T., cách đây 18 tháng, chỉ cần đầu tư 500.000 USD (hơn 10 tỉ đồng), trước kia là 1 triệu USD, sẽ được cấp "thẻ xanh" có thời hạn ba năm, sau đó gia hạn thêm ba năm nữa được bảo lãnh cho 10 người đi cùng. Sau ba năm làm ăn, chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại tình hình kinh doanh và gia hạn thêm. Thông thường cá nhân người Việt thường góp vốn, cổ phần với công dân Mỹ (gốc Việt), thường là bà con, lập công ty kinh doanh hoặc bất động sản ở Mỹ, dùng giấy phép của liên doanh này để chuyển tiền sang Mỹ. Thứ ba: sẽ có đường dây chuyển tiền sang Mỹ không chính thức với phí vài phần trăm hoặc ít hơn tùy nơi. |
No comments:
Post a Comment