Chàng sinh viên Việt kiếm 400 triệu từ 'Siri' trên BlackBerry
Tự học lập trình và viết được 17 phần mềm, riêng ứng dụng SayIt đã mang lại cho Nguyễn Long gần 400 triệu sau 3 tháng đưa lên AppWorld của RIM.
Thân hình mảnh khảnh và đôi mắt sáng sau cặp kính cận, Nguyễn
Long chia sẻ, cậu đến với công việc viết phần mềm khá tình cờ. Hai năm trước,
khi lần đầu tiên sở hữu chiếc BlackBerry Pearl 8100, Long đã tự mày mò để viết
ứng dụng cho máy.
SayIt, ứng dụng có tới hơn 50.000 lượt tải trên App World. Ảnh: Quốc Huy. |
Tuy nhiên, phải tới cuối năm ngoái, phần mềm đầu tiên của cậu
mới xuất hiện trên kho ứng dụng của RIM. Giữa tháng 1 năm nay, Long giới thiệu
SayIt với giá gần 5 USD, ứng dụng nhanh chóng lọt top bán chạy nhất của
AppWorld. Đúng 3 tháng từ ngày phát hành, phần mềm này đã mang về cho cậu gần
400 triệu, số tiền đã trừ phần 30% doanh thu mà RIM giữ lại.
SayIt là ứng dụng giao tiếp với điện thoại BlackBerry bằng giọng
nói. Người dùng có thể đặt các câu hỏi, máy sẽ tự động kết nối với server và cho
câu trả lời chính xác. Long cho biết, trước khi viết SayIt, cậu đã tìm hiểu rất
kỹ Siri dành cho iPhone 4S. Dù không dùng chiếc smartphone của Apple, nhưng các
đoạn video trên YouTube nói về Siri được cậu nghiềm ngẫm trước khi bắt tay xây
dựng.
Ứng dụng thu hàng trăm triệu này được Long viết trong thời gian
chưa đầy một tháng. Khác với Siri trên iPhone, SayIt còn hỗ trợ tính năng đọc
văn bản. So sánh với công cụ của Apple, ứng dụng của chàng sinh viên này chậm
chí đơn giản và đưa ra câu trả lời nhanh hơn, trong khi Siri có các bài giao
tiếp với người dùng khá lâu trước khi có câu trả lời.
SayIt xuất hiện trong thời gian Siri của Apple đang "hot" và
người dùng BlackBerry muốn tìm một công cụ tương tự. Điều này đẩy tiện ích của
Long bán chạy. Ngay sau đó, RIM đã thông qua các đại diện của mình tại Việt Nam,
liên hệ với cậu sinh viên này để hỗ trợ và quảng bá SayIt.
Nguyễn Long và chiếc BlackBerry được RIM hỗ trợ. Ảnh: Quốc Huy. |
Sinh năm 1989, hiện Long là sinh viên năm cuối khoa Cơ điện tử,
Đại học Bách Khoa TP HCM. Nghành học của Long không liên quan đến lập trình. Cậu
đang trong thời gian hoàn thiện đề tài tốt nghiệp về tay tự động cho robot.
Tự tìm công cụ viết phần mềm cho BlackBerry khi đang là sinh
viên năm thứ ba, Long cho biết, thời gian dành cho niềm đam mê này không nhiều.
Đến nay, Long đã có 16 ứng dụng viết cho smartphone BlackBerry. Mới đây, cậu đưa
phần mềm đầu tiên dành cho máy tính bảng PlayBook là Handy Scanner lên App
World. Ứng dụng này nhanh chóng lọt top 5 phần mềm bán chạy nhất. Handy Scanner
cho phép người dùng scan tài liệu để chuyển thành file PDF từ camera máy tính
bảng.
Theo Long, so với Android và iOS, ứng dụng trên BlackBerry còn
ít. Ngoài ra, lập trình viên trong nước tham gia xây dựng phần mềm cho App World
cũng không nhiều. Tuy nhiên, khách hàng của BlackBerry phần lớn là doanh nhân,
những người sẵn sàng trả tiền để mua ứng dụng. Hầu hết các phần mềm của Long đều
hướng tới người dùng văn phòng và các điều khiển liên quan tới giọng nói. Cậu
đang tìm hiểu thêm iOS để viế ứng dụng cho nền tảng này.
Dù kiếm được hàng trăm triệu đồng, cậu sinh viên người Vũng Tàu
này vẫn ở nhà trọ với bạn bè tại Sài Gòn. Chia sẻ với VnExpress.net,
Nguyễn Long cho biết mình chưa có nhiều dự định sau khi tốt nghiệp vào tháng 7
tới. Vẫn rất đam mê lập trình, xây dựng phần mềm cho di động, nhưng Long có thể
sẽ đầu quân cho một công ty dầu khí đúng với nghành học và mong muốn của bố mẹ.
Quốc Huy
No comments:
Post a Comment